Lợi nhuận kếch xù
Tội phạm môi trường có nhiều loại, bao gồm: buôn bán gỗ trái phép, khai thác gỗ trái phép, xử lý chất thải trái phép và xả trái phép các chất ô nhiễm vào bầu khí quyển, nước hoặc đất. Đây là hoạt động béo bở của các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia. Đối với một số mạng lưới tội phạm, lợi nhuận từ buôn bán chất thải lớn hơn cả buôn bán ma túy. Theo Cơ quan Hợp tác thực thi pháp luật EU, tội phạm môi trường tạo ra mức lợi nhuận cao thứ 3 trên thế giới, sau buôn bán ma túy và hàng giả, từ 110-280 tỷ USD mỗi năm, và tiếp tục tăng với tốc độ 5%-7% hàng năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo ông Sasa Braun, chuyên gia tội phạm môi trường của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), sự tàn bạo và tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực tội phạm môi trường không thể tưởng tượng được. Các băng nhóm đã chiếm toàn bộ lĩnh vực khai thác, buôn bán gỗ và xử lý chất thải trái phép. Ông Braun cho biết, những ngôi làng ở Peru từng chống phá rừng đã bị các băng nhóm tội phạm san bằng, trong khi các chủ đội tàu đánh cá trái phép sẵn sàng ném các thuyền viên xuống biển để tránh phải trả tiền hoặc liên đới trách nhiệm.
Trong khi đó, theo bà Katharina Lang, Giám đốc phụ trách về tội phạm rừng tại Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), chi nhánh ở Đức, người tiêu dùng không bao giờ biết gỗ trong sản phẩm họ đã mua có phải là gỗ khai thác trái phép hay không. Theo nghiên cứu năm 2021 của Hiệp hội Kỹ sư Đức (VDI), khai thác gỗ trái phép chiếm 30% các hoạt động trong ngành lâm nghiệp toàn cầu. Con số này có thể tăng lên gần 90% ở các nước sản xuất gỗ nhiệt đới. Các quy định về gỗ của Đức yêu cầu phải có giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng việc gian lận về nhãn mác diễn ra thường xuyên.
InSight Crime, Tổ chức Nghiên cứu tội phạm có tổ chức ở Mỹ Latinh và Caribe, cho biết, tình trạng tàn phá môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang diễn ra tràn lan ở châu Mỹ. Ở Colombia, các băng đảng không chỉ tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy mà còn thu phí hoa hồng các nhóm tội phạm môi trường. Theo tạp chí Semana của Colombia, trong quý 1-2022, 7.500ha rừng của Colombia đã bị tàn phá và 117 người bị truy tố liên quan tội phạm môi trường. Còn ở Trung Mỹ, khu dự trữ sinh quyển Maya của Guatemala, một trong những khu rừng nhiệt đới được bảo vệ rộng rãi nhất của khu vực, đang bị chặt phá và đốt để nhường chỗ cho các bãi đáp bí mật phục vụ hoạt động buôn bán cocaine.
Khu vực cận Sahara, châu Phi được xem là khu vực có nguy cơ cao nhất về tội phạm môi trường liên kết với rửa tiền, nhất là tại Cameroon, CHDC Congo, Madagascar, Mozambique và Tanzania. Tiếp theo là khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nơi có điểm số tội phạm môi trường cao. |
Tăng thực thi pháp luật
Phần lớn tội phạm môi trường thường không bị phát hiện, nhưng ngay cả khi bị phát hiện, các hình phạt vẫn còn nhẹ. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng còn thiếu cán bộ thực thi pháp luật (kiểm lâm, hải quan, chuyên viên môi trường…) và có thể thiếu cả ý chí chính trị. Ví dụ, vài năm trước ở bang North Rhine-Westphalia miền Tây nước Đức, có đơn vị chống tội phạm về môi trường trong Cơ quan Môi trường của bang, hoạt động rất thành công. Tuy nhiên, đơn vị này đã bị đóng cửa “vì lý do chính trị”. Bang Brandenburg, miền Đông nước Đức, đã có văn phòng công tố viên đặc biệt về tội phạm môi trường trong 2 năm, nhưng rồi cũng rơi vào cảnh thiếu nhân sự.
Các chuyên gia cho rằng, cần có các trung tâm hoạt động trên toàn châu Âu, với các thẩm phán, công tố viên, cảnh sát và nhân viên hải quan đã được đào tạo về giải quyết tội phạm môi trường. Ông Sasa Braun nhận định, cần tăng cường cuộc chiến chống tội phạm môi trường, trong đó có điều tra bí mật, đặt máy nghe lén và theo dõi GPS, giống như các tội phạm nghiêm trọng khác. Một số người hy vọng luật mới của châu Âu sẽ được ban hành vào năm tới, sẽ thắt chặt việc tuân thủ Luật Môi trường của EU.
Theo các nhà hoạt động môi trường, tình trạng tham nhũng đã tiếp tay cho tội phạm môi trường đang gia tăng. Để cải thiện tình hình, Đại hội đồng Liên hiệp quốc, EU, Interpol... đều kêu gọi phải ngăn chặn động cơ tài chính của tội phạm môi trường, chẳng hạn như các giao dịch tham nhũng và rửa tiền liên quan đến tội phạm môi trường.
Cho đến nay, vẫn thiếu dữ liệu đáng tin cậy về nguy cơ tội phạm môi trường của các quốc gia. Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) được thành lập vào tháng 7-1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris với nhiệm vụ thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Hiện FATF đang hoàn thiện các quy định về chống rửa tiền liên quan đến tội phạm môi trường. Các công tố viên chuyên trách của Mỹ và EU gần đây cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết tội phạm môi trường xuyên biên giới và xuyên lục địa. Các loại tội phạm môi trường được hai bên ưu tiên giải quyết là gây ô nhiễm biển và hàng hải, chẳng hạn như sự cố tràn dầu lớn, rác thải nhựa và rác thải trên biển; tội phạm chất thải, bao gồm ô nhiễm công nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động ở cả EU và Mỹ; tội phạm về động vật hoang dã, chẳng hạn như buôn bán bất hợp pháp các loài được bảo vệ; buôn bán gỗ bất hợp pháp; ô nhiễm không khí, bao gồm giảm việc sử dụng bất hợp pháp các khí sản sinh CO2; ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất…