Cách đây vài ngày, Đội QLTT số 6, Đội QLTT số 29 (thuộc Cục QLTT TPHCM) bất ngờ kiểm tra, phát hiện một kho hàng t rên đường Phạm Văn Chí (quận 6) chứa gần 60.000 sản phẩm nghi giả mạo những thương hiệu nổi tiếng như nước hoa Dior, Chanel, Gucci, Valentino, D&G… ghi xuất xứ tại Pháp, Mỹ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô hàng; đồng thời cho biết toàn bộ lô hàng do Trung Quốc sản xuất, được thu mua trôi nổi trên thị trường từ những người kinh doanh qua internet không rõ địa chỉ… Do số lượng hàng khá lớn nên lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian kiểm đếm, phân loại.
Cùng thời gian trên, Đội QLTT số 29 kiểm tra kho hàng trên đường Hoàng Xuân Hoành (quận Tân Phú), phát hiện chứa hơn 3.000 đôi giày dép nhựa các loại đủ thương hiệu nổi tiếng nhưng không có hóa đơn, chứng từ do Trung Quốc sản xuất. Không chỉ các mặt hàng xa xỉ bị làm giả, nhiều thương hiệu bánh kẹo, mứt tết cũng bị làm nhái, làm giả. Bằng chứng, chỉ vài ngày qua, QLTT TP đã tạm giữ gần 80.000 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đóng gói, bánh kẹo; trên 1 tấn nhãn khô, táo tàu, vải khô đủ loại tại một số chợ truyền thống.
Ghi nhanh trong ngày 16-1, tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “xách tay” trên địa bàn các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, số lượng khách mua sắm dịp Tết Kỷ Hợi đang tăng mạnh, từ 50% - 100%, thậm chí 150% so với ngày thường. “Hàng đa dạng, giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi món, đảm bảo an toàn, chính hãng, xuất xứ Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp... đều có. Hiện chúng tôi đang tuyển thêm 5 nhân viên kinh doanh trực tuyến để hỗ trợ khách đặt hàng, giao nhận. Tuy vậy, khách tin tưởng thì mua ủng hộ thôi chứ chúng tôi không có hóa đơn hay biên nhận cho món hàng nhé!”, chị Thu Thúy, chủ một cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), nói.
Phối hợp kiểm tra, ngăn chặn hiệu quả
TPHCM có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn với nhiều loại hình đăng ký làm thủ tục hải quan như: làm thủ tục hàng quá cảnh, chuyển tiếp, tạm nhập tái xuất… Lợi dụng sự thông thoáng trong quá trình làm thủ tục, một số doanh nghiệp đưa hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam. Để hạn chế thực trạng này, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán, Hải quan TP đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ những lô hàng quá cảnh, trung chuyển, chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm đưa hàng lậu, hàng gian lận thương mại vào TPHCM… Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, trong năm 2018 vừa qua, Cục Hải quan TPHCM đã lập biên bản 1.348 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa hơn 777 tỷ đồng, giảm 15,6% số vụ nhưng tăng 327,9% về giá trị so với năm 2017. Hải quan TP đã chuyển cơ quan chức năng đề nghị khởi tố 30 vụ vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, cho biết QLTT TPHCM đang đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào dịp trước, trong và sau tết. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến mại, thương mại điện tử, hội chợ, chợ phiên trên địa bàn TPHCM. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ… Riêng các đội QLTT có địa bàn giáp ranh các tỉnh được giao nhiệm vụ tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá hoạt động của đối tượng vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả để có biện pháp phối hợp kiểm tra; lưu ý mặt hàng pháo nổ, hóa chất... Mục tiêu chính nhằm đem lại những ngày tết an toàn, vui tươi, lành mạnh cho người dân TPHCM.
Tẩy chay hàng dỏm Một cán bộ QLTT TPHCM nhìn nhận, đánh vào tâm lý chuộng hàng “xách tay”, nhiều kẻ gian sẵn sàng lừa bịp bằng cách bán hàng trôi nổi với giá chính hãng (hoặc rẻ hơn chút đỉnh) nhằm thu lợi bất chính. Điều đáng lo ngại hiện nay chính là tình trạng hàng giả cạnh tranh với hàng thật khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP, phản ánh rằng doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng cao cấp nhưng rất ngán ngại hàng giả mạo đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và tác động xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế, đây không phải là nỗi lo riêng của IPP mà còn là sự dè chừng chung của hàng loạt doanh nghiệp khác có liên quan. Chia sẻ thêm về sự thống khổ khi hàng giả hoành hành, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, nói thẳng doanh nghiệp đang ráng gồng mình chống chọi nhưng không thấm vào đâu. Do vậy, công ty kiến nghị các cơ quan chuyên trách cần có chế tài mạnh hơn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng, học sinh, sinh viên chủ động tẩy chay, nói không với hàng giả, hàng nhái… |