Điều khoản mới 87a trong hiến pháp nêu rõ, để tăng cường khả năng của liên minh (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) và quốc phòng, Chính phủ liên bang có thể thành lập một quỹ đặc biệt cho quân đội liên bang với việc được cấp tín dụng một lần lên tới 100 tỷ EUR. Theo kế hoạch, Hội đồng liên bang Đức sẽ biểu quyết về việc sửa đổi hiến pháp nêu trên. Số tiền trong quỹ mới sẽ được chi để mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho không quân, hải quân và cả lực lượng mặt đất.
Trước khi Quốc hội Đức thông qua sửa đổi hiến pháp để tăng cường năng lực quân sự, chính phủ nước này cũng đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục là 50,4 tỷ EUR, được chi trong 5 năm tới. Theo DW, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Đức đã cắt giảm đáng kể quân số từ khoảng 500.000 người vào năm 1990 xuống chỉ còn 200.000 người như hiện nay. Quân đội Đức hiện có nhiều loại vũ khí già cỗi và lạc hậu. Bà Aylin Matlé, chuyên gia an ninh tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức, cho biết: “100 tỷ EUR bổ sung là tín hiệu cần thiết đối với quân đội Đức để quân đội được trang bị tốt nhất có thể”. Theo bà Matlé, đây cũng là cách để Đức thực hiện các hợp đồng mua sắm vũ khí đã bị trì hoãn trong nhiều thập niên do ràng buộc hiến pháp.
Sau khi quyết định sửa đổi Hiến pháp được thông qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định: “Đây là một ngày lịch sử, là số tiền lớn được đầu tư tốt - vì an ninh và hòa bình của đất nước chúng ta”. Ngoại trưởng Annalena Baerbock của đảng Xanh thì cho rằng: “Đây là thời điểm mà Đức có thể nói rằng chúng tôi có mặt khi châu Âu cần”. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội liên bang với 100 tỷ EUR được xem là bước ngoặt trong chính sách an ninh của quốc gia đầu tàu châu Âu sau nhiều thập kỷ “e dè” về mặt quân sự xuất phát từ lịch sử nước Đức trong thế kỷ 20.