Báo cáo tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP cho biết, trong những năm gần đây, mô hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phát triển nhanh về số lượng, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, giảm áp lực cho các trường mầm non công lập, vừa tạo cơ hội học tập cho trẻ vừa tạo việc làm cho người lao động.
Tính đến cuối học kỳ 1 năm học 2020-2021, toàn TP có 1.374 trường mầm non, trong đó 472 trường công lập, 902 trường ngoài công lập. Ngoài ra, có 1.739 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đang hoạt động trên địa bàn 24 quận, huyện.
Về quy mô đội ngũ, toàn ngành có 26.657 giáo viên mầm non, trong đó 10.716 giáo viên công lập và 15.914 giáo viên dân lập, tư thục. Trong đó, 8.806 giáo viên có trình độ đạt chuẩn từ cao đẳng trở lên, 9.572 giáo viên trình độ trên chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Năm qua, toàn ngành đã nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình về các vấn đề liên quan của các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý, không để xảy ra tình trạng cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép hay có hành vi bạo hành trẻ.
Phòng GD-ĐT quận, huyện đã phối hợp với các trường sư phạm mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ, trưởng nhóm, giáo viên ở các nhóm trẻ độc lập tư thục. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, lắp đặt camera cho các nhóm trẻ ở khu công nghiệp, khu chế xuất tại quận 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi...
Đặc biệt, TPHCM đã tổ chức đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin các vụ việc liên quan đến quyền lợi và sự an toàn của trẻ mầm non.
Bên cạnh những kết quả đã thực hiện, hiện nay vẫn còn tình trạng nhóm lớp hoạt động với quy mô nhỏ, chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất (thiếu sân chơi, cải tạo từ công trình nhà ở của gia đình nên không đảm bảo diện tích sân chơi ngoài trời cho trẻ), đội ngũ giáo viên ở các cơ sở thường xuyên biến động gây khó cho công tác quản lý, đội ngũ quản lý ở các phòng GD-ĐT mỏng, thiếu tính chuyên sâu trong xử lý vi phạm…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thông tin, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều xã tập trung số lượng dân nhập cư đông như Bà Điểm, Trung Chánh, Xuân Thới Thượng… Toàn huyện Hóc Môn có 35 nhóm trẻ gia đình, quy mô tối đa 7 trẻ đang hoạt động.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở, hàng quý phòng GD-ĐT đều có kế hoạch kiểm tra các nhóm lớp, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tại quận Tân Phú, đại diện phòng GD-ĐT quận này cho biết, hiện nay đang có tình trạng phụ huynh lẫn lộn giữa hai nội dung “giáo dục kỹ năng sống” hay “giữ trẻ mầm non”. Cụ thể, trên địa bàn quận đã xảy ra trường hợp trung tâm giáo dục kỹ năng sống nhận giữ trẻ mầm non không đúng quy định. Khi bị phát hiện, phụ huynh không thể chuyển con qua trường khác vì lỡ đóng tiền.
Từ thực tế đó, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú kiến nghị cơ quan quản lý trong quá trình cấp phép hoạt động cho trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần quy định cụ thể độ tuổi tối thiểu của trẻ khi tham gia, quy định cụ thể hơn về nội dung bảng hiệu thể hiện đúng loại hình hoạt động (do thực tế các cơ sở treo bảng hiệu dễ gây hiểu nhầm cho phụ huynh như “Hệ thống giáo dục mầm non và Anh ngữ”, “Trung tâm Anh ngữ mầm non”…
Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, quy định về các mức xử phạt cơ sở vi phạm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Ở góc độ trường mầm non công lập, bà Vũ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen (quận Gò Vấp) bày tỏ, số lượng cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn phường hiện nay khá đông, trong khi chỉ có một trường công lập làm vệ tinh. Do đó, công tác hỗ trợ cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế chuyên môn, chưa tích cực điều chỉnh những nội dung được góp ý.
Riêng ở huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh đề xuất, Sở GD-ĐT TP tiếp tục tham mưu UBND TP có thêm chế độ đặc thù hỗ trợ giáo viên ở các đơn vị ngoài công lập, qua đó giúp đơn vị thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ của năm học.
Kết luận tại hội thảo, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP cho biết, tới đây phòng giáo dục mầm non sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng ban liên quan tham mưu UBND TP thực hiện các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên và hoạt động của các nhóm lớp ngoài công lập.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non ngoài công lập, tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả thực hiện của các cấp, thực hiện chặt chẽ các quy định về việc cấp phép thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.