Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học

Sáng 30-9, tại Trường Đại học Sài Gòn (quận 5, TPHCM), Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Hội thảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) năm 2024. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, dịch vụ TVDH phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của không chỉ phụ huynh mà toàn xã hội.

Trong đó, nhu cầu cho con đi du học nước ngoài của người dân ngày càng tăng cao. Hằng năm, Việt Nam có hàng trăm ngàn học sinh đi du học, góp phần quan trọng vào việc hội nhập quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Dịch vụ tư vấn du học đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thông tin, hỗ trợ người học trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, xin visa... Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp đơn vị tư vấn cung cấp thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng quyền lợi người học", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin.

z5881753620680_7a62572d286d35353fe9a81394fdb210.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc thông tin về tình hình phát triển của dịch vụ tư vấn du học trên cả nước

Để giảm thiểu những bất cập nói trên, ngoài việc ban hành hệ thống pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch thì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm cần được các địa phương quan tâm thực hiện; kết hợp đồng thời với các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh.

Đặc biệt, trong bối cảnh các đơn vị tư vấn phát triển nhanh chóng về số lượng và phạm vi hoạt động, cần giải pháp quản lý phù hợp hơn trong thực tế để đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh, học sinh.

Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), năm 2024, cả nước có 3.423 tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH, trong đó có 2.860 tổ chức đang hoạt động​, số còn lại đang tạm ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả.

Tính đến ngày 15-9-2024, có 203 tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ TVDH trong năm 2024. ​Trong đó, Hà Nội và TPHCM tiếp tục là hai địa phương có số lượng tổ chức TVDH lớn nhất với 1.304 tổ chức tại Hà Nội và 513 tổ chức tại TPHCM.

Ngoài ra, các địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Tĩnh cũng có hoạt động TVDH sôi động.

Theo đánh giá của Cục Hợp tác quốc tế, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp TVDH đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong việc hỗ trợ hồ sơ, xin visa, tư vấn chương trình học bổng cho học sinh, góp phần tạo nên thị trường tư vấn sôi nổi, lành mạnh.

Tuy nhiên, số lượng các công ty công khai báo cáo trên trang web TVDH của Bộ GD-ĐT còn hạn chế, nhiều đơn vị chỉ làm báo cáo khi đến kỳ gia hạn giấy phép hoạt động dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và giám sát chất lượng dịch vụ.

Cùng với đó, vẫn còn tình trạng đơn vị hoạt động không có giấy phép, tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; có các vi phạm về thu phí không đúng quy định hoặc thu phí mà không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn; các chương trình du học trá hình, đưa người ra nước ngoài trái phép...

Mặc khác, một trong những bất cập của công tác quản lý hiện nay là các địa phương chưa có đội ngũ nhân sự đủ mạnh để giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều địa phương gặp khó khăn khi các công ty TVDH thành lập ở nơi khác, nhưng tổ chức quảng cáo tuyển sinh trên địa bàn thông qua các đại lý ủy quyền hoặc thông qua mạng xã hội.

Trước thực tế đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho rằng, ngành giáo dục và đào tạo sẽ chủ động tham mưu UBND TPHCM các chủ trương, chính sách để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ TVDH.

z5881591309868_6801132517f8e50fb96d326aa64e6888.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu tại hội thảo diễn ra sáng 30-9

"Thị trường tư vấn du học của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Để công tác quản lý nhà nước hiệu quả, nỗ lực của Sở GD-ĐT thôi chưa đủ mà cần có sự phối hợp với các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và ý thức kinh doanh của chính đơn vị tư vấn", bà Lê Thụy Mỵ Châu bày tỏ.

Ngoài ra, theo kiến nghị của các đơn vị TVDH, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du học sinh để thuận tiện trong công tác quản lý, đồng thời có thêm các chính sách "trải thảm đỏ" khuyến khích du học sinh trở về phục vụ đất nước, thành lập các cộng đồng sinh viên Việt Nam tại nước ngoài nhằm hỗ trợ thiết thực về tinh thần và vật chất đối với du học sinh trong thời gian học tập tại nước ngoài...

Thống kê từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, năm 2023 ghi nhận có 23.500 người Việt du học Trung Quốc. Tương tự, theo Bộ Giáo dục Australia, Việt Nam có 32.948 du học sinh vào 2023, tăng hơn 46% so với năm 2022.

Theo Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Hoa Kỳ (ICE), số du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2023 là 31.310 người. Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI) cho biết, du học sinh là người Việt Nam trong các năm gần đây dao động trong khoảng 35.000 - 38.000 người...

Tin cùng chuyên mục