- Bà TRẦN THÁI HẰNG, Phó Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, TPHCM:
Cần lên tiếng khi phát hiện trẻ có nguy cơ bị bạo hành
Ngoài người thân của cha hoặc mẹ trẻ, những người lớn sống trong môi trường với những em bé có nguy cơ bị bạo hành cần có trách nhiệm lên tiếng. Bởi họ là người tiếp xúc thường xuyên và có thể nghe, nhìn rõ tận mắt những dấu hiệu trẻ bị bạo hành.
Họ nên thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình bằng cách tố cáo hành vi bạo hành đó, nhưng trên thực tế, việc làm này ít khi được thực hiện. Hầu hết những người chứng kiến chỉ có thể im lặng xót thương chứ không mấy ai nghĩ đến việc gọi điện trình báo lên tổng đài, cơ quan công an. Đôi khi sự thờ ơ của người lớn, cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình người khác, chắc cũng chỉ là giáo dục trẻ con, hoặc chắc chỉ lần này thôi… đã đẩy thể xác và tinh thần của những đứa trẻ đáng thương vào hoàn cảnh khốn cùng.
Hãy quan tâm đến trẻ, để trẻ có được cuộc sống bình thường và tâm lý phát triển tốt nhất có thể. Đã quá nhiều vụ việc bạo hành trẻ em dẫn đến mất mạng xảy ra, khi hiểu được tính chất nghiêm trọng thì sự việc đã đi quá xa. Vì vậy, người lớn hãy lên tiếng khi thấy trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành.
- Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TPHCM:
Luật pháp cần nghiêm minh
Chúng ta nhận thấy rằng, vấn nạn bạo lực đối với trẻ em ngày càng nhiều. Nhiều người có thể đổ lỗi cho lý do công việc, hoàn cảnh gia đình… Nhưng có một nguyên nhân rất rõ, đó là chúng ta đã không dành nhiều tình thương, sự quan tâm đến con cái. Chúng ta dễ dàng giao con của mình cho người khác, mà chính bản thân chúng ta không chắc chắn người đó có bạo hành con mình hay không. Ý thức cộng đồng về vấn đề này chưa cao, nhiều người chứng kiến trẻ bị bạo hành nhưng vẫn vô cảm, không phản đối và không tố giác các hành vi vi phạm này. Vì thế, rất nhiều trường hợp, lẽ ra thoát khỏi tình cảnh bị bạo hành thì các cháu lại phải liên tục gánh chịu.
Bên cạnh đó, các chế tài có liên quan để bảo vệ các cháu về mặt luật pháp vẫn còn quá nhẹ, trong khi trẻ em là tương lai của nước nhà. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường chế tài về mặt luật pháp, nhằm răn đe những người có ý định bạo hành trẻ em. Cần lập tức xây dựng cơ chế, tách trẻ ra khỏi môi trường nguy hiểm để đảm bảo cuộc sống của các cháu khi chẳng may bị bạo hành. Có như vậy mới bảo vệ được các cháu tốt hơn, giúp xã hội có những mần non tốt cho tương lai, cho đất nước.
- Cô NGUYỄN THỊ BÍCH HUYỀN, Quản lý Trường mầm non Tuổi thần tiên:
Phải gần gũi, trò chuyện để hiểu trẻ
Để trở thành cô giáo dạy trẻ, chúng tôi đã được bồi dưỡng các kiến thức: tâm lý học trẻ em; quản lý cảm xúc; phương pháp giáo dục, pháp luật… Nhờ đó, chúng tôi không bỡ ngỡ trong việc dạy trẻ. Khi tuyển sinh các cháu vào trường mầm non, phụ huynh phải cam kết đồng tình với cách giáo dục của chúng tôi, vì thông thường phụ huynh đang dạy con trẻ ở nhà theo phương pháp dân gian (thương cho roi cho vọt), hoặc la mắng, đánh đập.
Con trẻ chưa đủ trình độ để diễn đạt ý nghĩ của mình bằng ngôn ngữ. Do vậy, khi gặp các cháu chưa ngoan, tinh nghịch hay biếng ăn…, chúng tôi phải có cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến yếu tố gia đình, hoàn cảnh phát sinh dẫn đến các cháu có những hành động chưa ngoan, lầm lỳ, ít nói… Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi phải gần gũi, trò chuyện với các cháu để tìm giải pháp khắc phục hiệu quả.
- Bà ĐÀO THỊ HUYỀN, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM:
Người thân cần có quyền giám sát trẻ con
Nhiều vụ bạo hành trẻ em sau khi đưa ra xét xử, bản án rất khó thực hiện bởi hầu hết các gia đình có trẻ bị bạo hành thường xin giảm án, xin hòa giải. Vì thế, những hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại lùi vào quên lãng, chỉ có những đứa trẻ lớn lên với vết tổn thương không bao giờ quên được. Hầu hết những trẻ em bị bạo hành, ngược đãi… đều không may có hoàn cảnh thương tâm, cha mẹ ly hôn, gia đình ly tán.
Trong những trường hợp như vậy, khi cha mẹ không thể làm tròn bổn phận chăm sóc con cái, lẽ ra những người thân trong gia đình như ông bà nội ngoại, cậu dì... nên là bên thứ ba đóng vai trò giám sát trong việc trao đứa trẻ cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc này hầu như chưa được chú ý thực hiện, hoặc nếu có thì người thực hiện việc giám sát chưa làm tròn trách nhiệm. Chỉ khi xảy ra sự việc đau lòng thì con trẻ mới được người thân đón về chăm sóc. Nếu như có sự phân chia, sắp đặt cụ thể, hợp pháp rằng bên thứ ba có quyền giám sát trông coi đứa trẻ khi cha mẹ chúng ly hôn, thì việc bạo hành trẻ em có thể sẽ được phát hiện, ngăn chặn.
- Bà PHẠM THỊ THU HÀ, ngụ quận 8, TPHCM:
Cha mẹ nên làm bạn với con cái
Là một phụ huynh, tôi rất phản đối việc dạy con bằng đòn roi, bạo lực. Cách dạy đó sẽ chỉ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần trầm trọng. Có bé sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi, lo lắng, nhút nhát, thậm chí trầm cảm. Có bé rơi vào khuynh hướng bạo lực, gây gổ với bạn bè và hỗn xược với mọi người xung quanh. Làm cha mẹ trước hết phải hiểu điểm mạnh, điểm yếu con mình ở đâu, từ đó dần dần uốn nắn. Cha mẹ cần phải nói chuyện, tâm sự với con, làm bạn cùng con chứ không nên áp đặt hay dùng bạo lực với con cái.