Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) Trần Thanh Hải, 70 chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) được tuyên dương đều là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho gần 50.000 chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp. Đây là những tấm gương điển hình cho sự nhiệt huyết, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí chấp nhận hy sinh lợi ích của cá nhân để đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động.
Nói chuyện thân mật với các chủ tịch CĐCS xuất sắc, đồng chí Trương Hòa Bình chia sẻ, qua theo dõi cho thấy hoạt động của công đoàn Việt Nam thời gian gần đây đang có những đổi mới mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên, người lao động bị xâm phạm. “Đóng góp vào kết quả chung đó, có đội ngũ hùng hậu các cán bộ công đoàn ở cơ sở, mà trong đó 70 chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại được tuyên dương lần này là những điển hình tiêu biểu”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Những lợi ích thông qua thỏa ước lao động tập thể và đối thoại ước trị giá gần 3.000 tỷ đồng cho hơn 200.000 lao động tại 70 doanh nghiệp nơi các chủ tịch CĐCS công tác là một con số hết sức ấn tượng. Những lợi ích mà người lao động được thụ hưởng là kết quả của quá trình lao động và đấu tranh kiên trì, bền bỉ, không ngại gian khổ, hy sinh của các chủ tịch CĐCS.
Đồng chí Trương Hòa Bình cho rằng, trước tình hình mới, nhất là việc tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tiêu chuẩn về lao động - công đoàn lao động Việt Nam, thì đội ngũ cán bộ CĐCS phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để thích ứng. Đồng thời nêu một số vấn đề trọng tâm để các chủ tịch CĐCS suy nghĩ, bàn bạc và triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó có việc triển khai sâu rộng và tổ chức hiệu quả hơn nữa các chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động như “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, hàng hóa và dịch vụ giảm giá…
Đặc biệt là triển khai nhanh hơn nữa Đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động, nhất là vấn đề tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải; làm thêm giờ, điều kiện làm việc, đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện các chế độ đối với lao động nữ, lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại…
Kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Sớm hình thành mạng lưới luật sư công đoàn để kịp thời tư vấn, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn. “Đội ngũ cán bộ công đoàn trong tình hình mới của đất nước vừa phải là người làm tốt công tác vận động quần chúng, nhưng đồng thời phải là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, đối thoại, thương lượng và bảo vệ quyền lợi của người lao động”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu.