Thành công của chiến dịch trên nhờ vào quyết định của Nghị viện châu Âu (EP) về việc trao thêm quyền cho Europol trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Trong thỏa thuận được thông qua với 480 phiếu thuận và 143 phiếu chống, Europol có thể cung cấp cho các quốc gia thành viên quyền truy cập vào Hệ thống Thông tin Schengen (SIS), các báo cáo nhận được từ các nước ngoài EU, hoặc các tổ chức quốc tế về tội phạm và nghi phạm của các nước thứ ba, nhất là liên quan những tay súng khủng bố nước ngoài.
EU nhận định cơ chế mới này là cần thiết nhằm điều phối cuộc chiến chống khủng bố, vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em và nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng khác. Theo Ủy ban châu Âu (EC), quyền hạn mới của Europol là cần thiết bởi các phần tử khủng bố thường sử dụng các công ty tư nhân để tuyển mộ thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối quyết định trên, trong đó có Tổ chức Quyền lợi kỹ thuật số của châu Âu, khi cho rằng các cải cách sẽ đe dọa nghiêm trọng quyền bảo mật dữ liệu và đảm bảo quyền riêng tư, cũng như chính sách không phân biệt đối xử.
Đầu tháng 2 vừa qua, các thành viên của EP và các quốc gia thành viên EU đã nhất trí với đề xuất mới cho phép Europol hợp tác trực tiếp với các công ty tư nhân, bao gồm các nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, Europol có thể nhận dữ liệu cá nhân từ các công ty này, đặc biệt trong trường hợp nội dung mang tính khủng bố hoặc khiêu dâm trẻ em, mà không có nghĩa vụ phải thông qua cơ quan có thẩm quyền quốc gia, hoặc tổ chức quốc tế như quy định hiện hành. Europol hiện có hàng ngàn nhân viên và 220 sĩ quan liên lạc trên khắp thế giới. Cơ quan có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) này tuyên bố hỗ trợ hơn 40.000 cuộc điều tra quốc tế mỗi năm và gần đây đã góp phần triệt phá nhiều mạng lưới tội phạm sử dụng các hệ thống liên lạc được mã hóa như Encrochat, Sky ECC…