Tăng tỷ lệ cung ứng nội địa
Để hỗ trợ các DN công nghiệp, nhất là DN công nghiệp hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, TPHCM đã tăng cường kết nối cung cầu giữa các DN công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các DN đầu cuối, DN FDI bằng nhiều hình thức như thông qua Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (thuộc Sở Công thương) tổ chức kết nối trực tiếp giữa các DN công nghiệp thành phố với các DN FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng là đầu mối kết nối hàng trăm DN trong nước với các DN FDI, tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Khu Công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các DN công nghiệp hỗ trợ cũng được thực hiện thông qua nhiều triển lãm chuyên ngành được tổ chức tại TPHCM.
Năm nay, khởi đầu cho các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa các DN công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM sẽ chủ trì phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cùng sự hỗ trợ từ các bộ ngành, hội ngành nghề tổ chức chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018 - Sourcing fair for supporting industry with buyer (SFS 2018)” diễn ra ngày 13 và 14-3 tại khách sạn REX, quận 1, TPHCM.
Đây là sự kiện nhằm tạo điều kiện cho các DN sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ thành phố có thêm cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết hiện đã có 16 DN FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử (Samsung, Tiger Vietnam, Asanzo, DLG Ansen Electric…), lĩnh vực ô tô, xe tải (Mitsubishi, Ford, Samco, Deahan, Vĩnh Phát…) và cơ khí chế tạo (Bosch, Schindler, Juki…) đang tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, với danh mục cụ thể hơn 250 chi tiết linh kiện/cụm linh kiện dùng cho các sản phẩm điện thoại, máy photocopy, thang máy, xe tải, xe buýt, xe chuyên dùng, đồ điện gia dụng…
Ban tổ chức cũng tiếp nhận nhu cầu đăng ký kết nối trực tiếp của hơn 60 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tham gia sự kiện, các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ được gặp gỡ trực tiếp với đại diện các DN FDI, DN sản xuất công nghiệp đầu cuối, cung cấp danh sách chi tiết linh kiện mà các DN FDI tìm kiếm nhà cung cấp, quảng bá năng lực cung ứng của đơn vị; được kết nối tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và UBND TPHCM.
Tiếp sức phát triển nội lực
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện mức lãi suất vốn vay mà các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp đã giảm hấp dẫn hơn mức hỗ trợ lãi suất vay từ nguồn quỹ của thành phố. Do vậy, trong năm 2018, Sở Công thương tiếp tục phối hợp tổ chức chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đi vào chiều sâu nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo phương châm “Thiết thực - Hiệu quả” như triển khai cho các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN; thực hiện kết nối theo chuyên đề, lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay DN trong khu chế xuất - khu công nghiệp, DN khởi nghiệp… Giảm lãi suất cho DN theo hướng lãi suất khoản vay mới phải giảm so với lãi suất khoản vay cũ liền kề; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các kênh đối thoại DN với chính quyền TPHCM, nắm bắt và giải quyết nhu cầu vốn cho DN.