Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin thêm, đến nay 35 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phản ánh "dấu hiệu có thể người thân là nạn nhân trong số 39 người gặp nạn". Sau đây, việc thông báo danh tính nạn nhân sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Anh. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Anh, sau khi xác định được danh tính, tuỳ theo quy định của pháp luật và phong tục tập quán để thông báo với địa phương và gia đình.
Cũng về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với tư cách cơ quan quản lý lao động đã xin gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Nhưng theo ông, việc di cư bất hợp pháp, buôn bán người hoàn toàn khác với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) chúng ta đang triển khai. XKLĐ hợp pháp được luật pháp bảo hộ, đi đến những quốc gia mà Việt Nam có ký hiệp định lao động. “Có nhiều hình thức đi XKLĐ, nhưng XLLĐ hợp pháp thì người lao động đều được quản lý, bảo vệ. Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ, mỗi năm đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Với châu Âu, Việt Nam ký với Rumani đưa được 3.000 người; ký với Đức đưa được 1.066 điều dưỡng viên”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khuyến cáo người có nhu cầu đi XKLĐ cần thông qua các doanh nghiệp được cấp phép, những thị trường mà Việt Nam ký kết hợp tác lao động để được bảo hộ, tuyệt đối không đi XKLĐ trái phép.
Trả lời câu hỏi những ấn phẩm có bản đồ hình lưỡi bò lọt vào Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, vừa qua, Bộ đã khiển trách bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia do liên quan đến việc phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò. Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, kiện toàn nhân sự, tăng cường rà soát để tránh xảy ra sự việc tương tự; nghiên cứu xây dựng phần mềm rà soát hình ảnh, âm thanh, lời thoại giúp quản lý tốt hơn. Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cũng đã kiện toàn hội đồng duyệt phim quốc gia; mời chuyên gia hỗ trợ việc rà soát nội dung; đề nghị các công ty nhập khẩu văn hoá, điện ảnh không tùy tiện nhập ấn phẩm về rồi "phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định.
Về vụ ô tô Volkswagen Toureg có bản đồ đường lưỡi bò được trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng thông tin đó là xe nhập từ Trung Quốc. Ngay khi phát hiện, bộ đã làm việc với đơn vị nhập khẩu ô tô để nắm vụ việc. Theo tờ trình của công ty này, màn hình ô tô có định vị bản đồ Trung Quốc. Trước khi mang đi triển lãm, doanh nghiệp không phát hiện vấn đề này. Bộ Công thương yêu cầu thu hồi và khắc phục vi phạm, hàng tuần, doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động khắc phục, nếu không sẽ bị rút giấy phép nhập khẩu ô tô. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô từ nước ngoài không nhập xe cài cắm hình ảnh nào vi phạm pháp luật Việt Nam. “Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải vào cuộc trong việc quản lý nhập khẩu ô tô”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Về vụ 9 người đi theo chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn ở lại, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết cơ quan điều tra đang phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để điều tra vụ việc. Hiện đã có 3 công dân về nước, còn 6 công dân vẫn đang ở Hàn Quốc. Quá trình điều tra nếu hành vi sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định và thông tin cho báo chí.