Theo đó, đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận một số hạn chế về nội dung, hiệu quả truyền tải còn xơ cứng của môn Giáo dục công dân (GDCD) trong chương trình giáo dục phổ thông đang thực hiện. Trong khi chờ đợi chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm học 2020 - 2021), trong đó có xây dựng, cơ cấu lại môn GDCD (đối với hai bậc THPT, THCS) và môn Giáo dục đạo đức (đối với bậc tiểu học), cũng như tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học tích cực đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ thông qua các hình thức như sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, thi thuyết trình, tổ chức chuyên đề về giáo dục đạo đức để nâng cao hiệu quả giáo dục hành vi, đạo đức và lối sống cho học sinh.
Riêng về nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình, dự kiến trong năm học 2018 - 2019, bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn mang tính chất tham khảo cho các trường với 4 nội dung chính: phổ biến kiến thức pháp luật về gia đình; định nghĩa lại các khái niệm về gia đình, các mối quan hệ trong gia đình, quyền và nghĩa vụ của từng thành viên trong gia đình; thống kê các hình thức bạo lực gia đình, nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực đó và tuyên truyền các kỹ năng về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Trước đó, các đại biểu kiến nghị phải có một chương trình khung giáo dục đạo đức bài bản, được đầu tư, nghiên cứu một cách nghiêm túc, có tính xuyên suốt ở tất cả bậc học. Bên cạnh đó, việc đào tạo giáo viên làm công tác giáo dục đạo đức phải được quan tâm nhiều hơn từ các trường sư phạm, tiến đến chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chấm dứt tình trạng bố trí giáo viên thiếu nghĩa vụ dạy môn giáo dục công dân.