Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trải nghiệm tính năng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa
Thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV (về khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao), hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng; làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ cũng như phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch công.
Việc sử dụng thanh toán bằng thẻ chip nội địa với công nghệ không tiếp xúc cho các giao dịch giá trị nhỏ sẽ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng khi chỉ cần thực hiện 1 thao tác chạm thẻ vào máy POS là có thể hoàn thành giao dịch.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), thẻ chip nội địa sẽ khắc phục được nạn sao chép, ăn cắp thông tin phổ biến hiện nay. Công nghệ này cũng cho phép lưu trữ dữ liệu thông tin cá nhân người dùng như: bảo hiểm, y tế...
Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo kế hoạch đặt ra, đến 31-12-2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS) vào 31-12-2020. Chậm nhất vào 31-12-2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội.
Để bắt kịp xu thế quốc tế và đưa Việt Nam thoát khỏi vũng trũng về gian lận, giả mạo thẻ, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, các ngân hàng cần đẩy nhanh việc chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình. Ngoài 7 ngân hàng, các ngân hàng còn lại cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chuyển đổi, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas cho biết, Napas đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ chip nội địa và thẻ chip quốc tế, cho phép khách hàng sở hữu chiếc thẻ này sử dụng thuận tiện cả trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong chuyển đổi, Napas triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1-5.
Tính năng vượt trội của thẻ chip nội địa: an toàn và bảo mật; tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng; đa tiện ích, đa ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt. |