Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ tạo tuyến ống xương sống chính, cấp nước cho khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Đồng thời tăng cường lượng nước cung cấp, tăng áp lực cho các khu vực lân cận.
Hơn 900 tỷ đồng phát triển mạng lưới cấp nước
Thực hiện nghị quyết của HĐND TPHCM về việc đảm bảo 100% hộ dân TPHCM được cung cấp nước sạch, hơn 2 tháng qua, Sawaco đã thực hiện dự án “Phát triển mạng cấp 1 tuyến đường Nguyễn Cửu Phú (Võ Văn Vân - Nguyễn Văn Linh)”.
Đây là tuyến đường ống mới, đường kính 1-1,5m. Điểm đầu từ ngã tư đường Võ Văn Vân - Trần Văn Giàu (quận Bình Tân) và điểm cuối ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Công trình đi qua các tuyến đường: Trần Văn Giàu, Tỉnh lộ 10, Nguyễn Cửu Phú, Dương Đình Cúc, cầu Chợ Đệm, Nguyễn Hữu Trí, Tân Túc, nút giao Bình Thuận.
Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết, dự án đầu tư này nhằm tăng áp lực nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt người dân khu vực Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè. Từng bước hình thành mạng vòng, đảm bảo cấp nước an toàn. Song song đó, Sawaco sẽ đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới cấp 2, cấp 3 để gắn đồng hồ nước cho người dân. Khi công trình hoàn thành, Sawaco sẽ tính toán đấu nối vào hệ thống cấp nước của tỉnh Long An, giúp các huyện lân cận của tỉnh này có nước sạch sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô, phòng tránh hạn mặn.
Cụ thể, dự án sẽ thi công mới các tuyến ống D1500mm dài 2.183m; ống D1200mm dài 9.129m; ống D1000mm dài 151m; D900mm dài 230m và phụ tùng. Đầu tuyến là điểm nối với đường ống cấp 1, D1500mm, tại giao lộ đường Võ Văn Vân - Trần Văn Giàu, điểm cuối tuyến đấu nối với ống D1000mm trên đường Nguyễn Văn Linh. Với chiều dài đường ống lắp đặt mới gần 12km, dự án được đầu tư hơn 900 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Hiện nay, hệ thống nước sạch đã được TPHCM đầu tư phủ kín các quận, huyện, tuy nhiên mạng lưới chưa đồng bộ. Nhiều hệ thống đường ống được xây từ lâu nay đã xuống cấp nên nguồn nước chưa ổn định. Một số khu vực ngoại thành xảy ra tình trạng nước yếu do nằm phía cuối nguồn. Thực tế, đường ống cấp nước hiện hữu tại khu vực cuối nguồn nhỏ, đường kính từ 0,3m, nên thường xảy ra hiện tượng nước yếu vào các tháng 3, 4 cao điểm mùa khô. Một số nơi ở huyện Bình Chánh hay xảy ra tình trạng nước yếu như: thị trấn Tân Túc, các xã An Phú Tây, Tân Quý Tây, Tân Kiên... Hệ thống đường ống mới dự kiến hoàn thành sau 2 năm sẽ giúp tăng áp lực nước để phục vụ người dân.
Đồng bộ các hạng mục
Trong đề án cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt mục tiêu duy trì cung cấp 100% nước sạch cho người dân, tăng lượng nước bình quân người dân sử dụng lên 165 lít mỗi ngày, tỷ lệ thất thoát dưới 18%. Đến năm 2025, lắp mới và cải tạo hơn 5.000km đường ống.
Để đảm bảo chỉ tiêu trên, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư phát triển đường ống, thay thế các tuyến ống cũ, mục, Sawaco đã đầu tư các tuyến ống mới về vùng ven. Giai đoạn 2015-2020, công tác phát triển mạng lưới được Sawaco quan tâm thực hiện. Kết quả, phát triển được 177km đường ống truyền tải (mạng cấp 1 và cấp 2), 5.619km đường ống phân phối (cấp 3), nâng tổng chiều dài đường ống cấp nước lên 11.578km. Tháng 10-2020, Sawaco đã hoàn thành đường ống cấp 2 từ Tân Liêm (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) về giáp ranh tỉnh Long An. Công trình đã giúp Sawaco thuận tiện hơn khi đưa nước sạch về hỗ trợ người dân Long An, góp phần giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân tại tỉnh này.
Theo ông Trần Quang Minh, duy trì mục tiêu 100% hộ dân TPHCM được cung cấp nước sạch bằng giải pháp bền vững là chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ tới, đã được đại hội đề ra. Thời gian tới, Sawaco tập trung đầu tư phát triển hệ thống cấp nước đồng bộ các hạng mục công trình từ nguồn nước đến mạng lưới đường ống cấp nước. Trong đó chú trọng đầu tư trang thiết bị tiên tiến. Thành lập trung tâm quản lý điều hành hệ thống cấp nước từ nguồn đến mạng lưới mở rộng và cải tạo đường ống, tăng tỷ lệ bao phủ, phát triển mạng lưới ống cấp 1, 2 nhằm tăng áp lực nước. Ưu tiên đầu tư các dự án đảm bảo cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch. Sự đầu tư này nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống cấp nước, hướng tới mục tiêu cấp nước thông minh.