Theo đó, chương trình tầm soát dành cho tất cả mọi người trên 40 tuổi, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như: người có tiền sử bị ung thư đại trực tràng, polyps đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng vô căn, bệnh Crohn; Có tiền sử bị chiếu xạ vùng bụng hoặc vùng chậu để điều trị ung thư, người có người thân huyết thống (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bị ung thư đường tiêu hóa trước 45 tuổi, có người thân bị bệnh đa polyps đại tràng; Người bệnh có các triệu chứng như thay đổi thói quen đi tiêu, tiêu phân nhỏ dẹt, có máu trong phân hoặc chảy máu từ đường tiêu hoá, đau bụng kéo dài kèm theo mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân…
Người đến tầm soát sẽ được các bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân thăm khám, chỉ định cận lâm sàng để tầm soát ung thư đại trực tràng. Người bệnh sẽ được miễn phí khám, tư vấn điều trị chuyên sâu, tư vấn phòng ngừa bệnh.
Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2018 ghi nhận, ung thư đại trực tràng là ung thư đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc và tỉ lệ tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2018, có 14.733 trường hợp mắc mới ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.
Ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn càng sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao, tỉ lệ chữa khỏi lên đến 90%. Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, trĩ, táo bón... Vì vậy việc tầm soát để phát hiện bệnh là điều hết sức quan trọng và cần có ý thức chủ động từ người dân, đặc biệt trên người có nguy cơ cao.