Thiết thực và kịp thời
Rất bất ngờ khi được tặng tiền và quà của Báo SGGP, chị Nguyễn Thị Thùy Vân (khiếm thị bẩm sinh, sống cùng con gái trong một căn hộ thuê ở chung cư Ngô Gia Tự, phường 3, quận 10, sống bằng nghề bán vé số) cho hay: “Ngay khi phải tạm ngưng việc bán vé số, tôi được Ban điều hành khu phố và bà con trong khu phố quan tâm hỗ trợ những bữa ăn, đồ dùng hàng ngày. Thật cảm động!”.
Trong niềm xúc động khi nhận quà, ông Lương Vĩnh Xuân (57 tuổi, ngụ tại đường Thông Tây Hội, phường 10, quận Gò Vấp) tâm sự: “Không có sức khỏe và tay nghề, nên tôi bán vé số dạo kiếm sống qua ngày suốt hơn 30 năm nay. Thấy tôi mù lòa, nhiều người cũng thương, mua giúp, nhưng cũng có những khi bị kẻ xấu cướp giật vé số, hoặc trả tiền không đủ, nên sống cũng gian nan. Thời gian này, tạm ngưng việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gia đình túng quẫn. Nay nhận được gạo và tiền hỗ trợ từ Báo SGGP, tôi rất cảm ơn, vậy là không lo đói nữa rồi”.
Bà Trần Thị Tuyết Hồng (61 tuổi, cùng ngụ tại phường 10, quận Gò Vấp) kể: “Tôi bị mù bẩm sinh, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào những tờ vé số bán được, không có dư để phòng thân. Mấy ngày nay, phải tạm ngưng bán vé số đột ngột, tôi lo lắng lắm, không biết sẽ sống như thế nào trong những ngày tiếp theo. Cảm ơn tấm lòng của Báo SGGP đã kịp thời giúp đỡ gia đình tôi trong lúc khó khăn, hoạn nạn thế này”.
Chị Trần Thị Kim Danh, chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật Vầng trăng khuyết (quận Bình Thạnh) tâm tình: “Sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước và của Báo SGGP thiết thực giúp chúng tôi bớt lo lắng trong những ngày này. Đây cũng là nguồn động viên lớn, chúng tôi biết mình vẫn luôn được sự quan tâm của xã hội”.
Vận động sự chung tay
Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp, cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Phòng đã khẩn trương rà soát, lập danh sách những người bán vé số trên địa bàn quận để kịp thời có chính sách hỗ trợ. Trong đợt này, chúng tôi chọn 3 phường 10, 12 và 13 là nơi có nhiều người bán vé số khó khăn cư trú, để phối hợp với Báo SGGP trao quà tặng. Các phường còn lại, ngoài khoản hỗ trợ dự kiến của thành phố, chúng tôi cũng vận động thêm các đoàn thể cùng chung tay giúp đỡ”.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh xúc động cho biết: “Xin chân thành cảm ơn những nỗ lực Báo SGGP đã ân cần hỗ trợ người lao động nghèo đang gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh, vun bồi truyền thống nhân ái, chân tình của người dân TPHCM”.
Ông Đoàn Hồng Hiệp, Chủ tịch UBMTTQ quận 10, cho hay: “Để bà con hộ nghèo an tâm ở nhà phòng dịch, UBMTTQ quận đã phối hợp với các cơ sở Phật giáo, mạnh thường quân tổ chức mỗi ngày nấu và phát 900 suất ăn cho những người lao động nghèo cư trú trên địa bàn. Hàng ngày, cán bộ mặt trận của 15 phường nhận về và đi phát tận từng nhà cho những người khó khăn. Đồng thời phát gạo và một số nhu yếu phẩm nhằm san sẻ khó khăn với người nghèo.
Ngoài vai trò thành viên Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Báo SGGP mở đợt vận động các đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc tiếp tục đóng góp ủng hộ, đồng hành cùng báo trong việc hỗ trợ người lao động khó khăn đang bị tạm ngưng, thậm chí là mất việc mưu sinh hàng ngày. Chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển giao vật chất và tấm lòng của quý bạn đọc đến chia sẻ với người dân nghèo thành phố. Địa chỉ tiếp nhận: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM Đường dây nóng: 0908033044 Tài khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 31010000231438 tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh TPHCM Nội dung xin ghi rõ: giúp người lao động nghèo vượt qua dịch bệnh |
>>> Sau đây là một số hình ảnh ấm lòng của Báo SGGP, các mạnh thường quân cùng san sẻ trong những ngày phòng chống dịch Covid-19: