Bằng những đóng góp thiết thực, Đại tá - bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Niềm vui tròn đầy
Phòng khám nội tổng hợp là phòng khám từ thiện của Hội Cựu chiến binh phường 3, quận Gò Vấp. Là một trong những người đặt nền móng và điều hành hoạt động của phòng khám từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng cho biết, trong quá trình công tác tại Bệnh viện Quân y 175, ông gặp nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Có trường hợp khi xoay được tiền đi thăm khám thì bệnh đã trở nặng, có người biết bệnh nhưng không dám đi điều trị. Từ đó, ông ấp ủ ý định khi về hưu, có thời gian sẽ mở phòng khám giúp người nghèo.
Nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác, năm 2014, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng kết nối với Hội Cựu chiến binh và UBND phường 3 mở Phòng khám nội tổng hợp. Phòng khám được Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động, chính thức trở thành nơi khám chữa bệnh cho người nghèo. Lúc mới mở, phòng khám hoạt động trong điều kiện thiếu thốn cả về nhân sự, thuốc men và vật tư y tế. Bằng mối quan hệ của mình, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp tham gia thăm khám, điều trị miễn phí cho người bệnh. Ông cũng vận động Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động từ thiện của phòng khám.
Đến nay, phòng khám đã quy tụ 15 y, bác sĩ nghỉ hưu, có thâm niên làm việc nhiều năm tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM tham gia khám chữa bệnh. Tất cả các y, bác sĩ đều làm việc vì chữ tâm, thậm chí họ còn trích lương hưu để hỗ trợ thêm cho người bệnh. Là trưởng phòng khám, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng xác định, dẫu khám chữa bệnh miễn phí nhưng phải giữ được sự nhiệt tình, nhiệt tâm để người bệnh không mặc cảm. “Chúng tôi đều thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, luôn coi bệnh nhân như người nhà của mình”, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng bộc bạch.
Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận hàng chục lượt người bệnh ở TPHCM và các tỉnh lân cận tới thăm khám, điều trị. Phòng khám cũng nhận được sự hỗ trợ của các hội viên Hội Cựu chiến binh phường, các mạnh thường quân cùng chung tay duy trì hoạt động. “Chúng tôi hay nói vui phòng khám là nơi “cứu cánh” của những người hết tuổi làm việc nhưng còn tha thiết với nghề, còn nặng lòng với người bệnh. Mỗi ngày, nhìn thấy sự an tâm trên gương mặt người bệnh, với y, bác sĩ của phòng khám, đấy mới là niềm vui tròn đầy”, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng tâm sự.
Đến nay, vì lý do sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng không còn tham gia điều hành hoạt động của phòng khám, nhưng tâm huyết và những chắt chiu của ông dành cho người bệnh ở Phòng khám nội tổng hợp vẫn còn nguyên vẹn, được các y, bác sĩ tiếp tục kế thừa và phát huy.
Y sĩ Hiền của xã Lý Nhơn
Cùng được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, y sĩ Nguyễn Thị Hiền lại có đóng góp theo cách khác - đó là sự tận tụy, trách nhiệm với nghề nghiệp. Hơn 35 năm công tác trong nghề nhưng y sĩ Hiền có đến 30 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) - là chỗ dựa của không ít thai phụ ở xã.
Y sĩ Nguyễn Thị Hiền kể, năm 1991, bà được điều động về Trạm Y tế xã Lý Nhơn công tác. Tuy là địa bàn thuộc TPHCM nhưng điều kiện đi lại ở Lý Nhơn lúc bấy giờ rất khó khăn, đời sống người dân còn trăm bề thiếu thốn. Mỗi năm, xã Lý Nhơn có trên dưới 100 phụ nữ mang thai. Ở nhiều ấp, để di chuyển đến trạm y tế xã mất mười mấy, hai chục cây số, còn đến bệnh viện huyện thì xa hơn nhiều. Cũng bởi đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên hầu như các thai phụ trong xã đều ngại đi thăm khám trong thời gian thai kỳ. Nhiều trường hợp chọn sinh đẻ tại nhà, dẫn đến nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con.
Với trách nhiệm nghề nghiệp, y sĩ Hiền không cam chịu ngồi chờ thai phụ tìm tới trạm y tế mà bà quyết mang trạm y tế đến gần với thai phụ. Bà cẩn thận lập danh sách từng người mang thai rồi tới tận nhà vận động họ đi thăm khám. Đường sá đi lại khó khăn, bà không ngần ngại đi bộ. Nhiều trường hợp sức khỏe yếu, bà xách theo đồ nghề để thăm khám tại nhà thai phụ. Bà còn tới từng khu dân cư, tận tình tuyên truyền về sức khỏe mẹ và bé, về kế hoạch hóa gia đình, về lợi ích của việc chích ngừa cho trẻ… Sự tận tụy của bà đã khiến nhiều thai phụ cảm động và tin tưởng. Từ đó, dần dà họ chịu ra trạm y tế tìm hiểu thông tin, thăm khám định kỳ. Nhờ đó, nhiều năm qua, 100% phụ nữ có thai ở xã Lý Nhơn được theo dõi, khám thai định kỳ và sinh đẻ tại trạm y tế, số trẻ sơ sinh được chích ngừa đạt 100%.
Đến nay, đường sá và phương tiện đi lại ở Lý Nhơn đã thuận lợi hơn, những phụ nữ trong xã cũng ý thức hơn về sức khỏe thai kỳ, thường xuyên đi bệnh viện thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tuy nhiên, y sĩ Hiền và Trạm Y tế xã Lý Nhơn vẫn là địa chỉ tin cậy đối với các thai phụ, sản phụ của xã khi cần tìm hiểu, thăm khám hoặc xử lý những tình huống khẩn cấp.
“Cả sự nghiệp làm y sĩ, tôi được khen thưởng nhiều, nhưng được tuyên dương theo gương Bác lần này là niềm động viên lớn để tôi nhìn lại chặng đường mình đã đi qua. Tôi tin rằng, đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của người dân xã Lý Nhơn”, y sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.