Chuyển hóa địa bàn
Vừa rời quân ngũ, ông Nguyễn Công Bình rất muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, nhưng ngay tại buổi họp đầu tiên với chi bộ khu phố, ông được chi ủy tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng dân phố. Qua nhiều năm làm tổ trưởng dân phố, nay ông vẫn nhiệt tình gắn bó với cộng đồng dân cư, đang là khu phố trưởng khu phố 1 (phường 12, quận 10, TPHCM).
Ông Bình nhớ lại: “Hơn 30 năm trước, địa bàn này rất phức tạp. Nhiều thanh niên sa vào đá gà, đánh bạc, tham gia băng nhóm. Được phân công làm tổ trưởng dân phố, tôi rất lo vì đây là việc mới lạ với mình, mà địa bàn phức tạp quá, ban đầu tôi có hơi chùng bước. Tuy vậy, nhớ lời thề khi kết nạp Đảng sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao, tôi lại nỗ lực. Những bài học, kinh nghiệm về công tác dân vận ở quân đội và các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tổ trưởng dân phố đã giúp tôi cách tiếp cận và giải quyết vụ việc phát sinh ở địa bàn dân cư”.
Việc quyết liệt giải tán sòng bạc, trường gà và các tệ nạn khác đã gặp nhiều trở lực, không ít lần bọn xấu bắn tin đe dọa cán bộ địa phương. Tổ trưởng dân phố cũng phải trong tình thế căng thẳng. Ông Bình nhận ra, với các thanh niên hư hỏng, giải pháp hiệu quả không phải là đối đầu mà là tiếp cận, mềm dẻo thuyết phục, cảm hóa. Lần đó, một người dân nghèo trong khu phố bị bệnh chết, ban điều hành tổ dân phố liền tổ chức đi vận động kinh phí hỗ trợ. Đến viếng tang, mới hay đã có một người hào hiệp đứng ra lo. Đó là một người chuyên cho vay nặng lãi, cờ bạc; dù vậy, việc họ giúp lo việc tang cho người nghèo cũng nên được khen thưởng động viên kịp thời. Do vậy, sau đó ông Bình kiến nghị UBND phường ký giấy khen và tổ chức trao rất trang trọng. Khi nhận giấy khen, người này rất ngạc nhiên và xúc động. Rồi sự chuyển biến đã thấy rõ, người này không còn cho vay nặng lãi và còn vận động nhiều người không tham gia những việc phạm pháp nữa. Khu phố dần bình yên, người dân chí thú làm ăn. Từ thành quả bước đầu, tổ dân phố, khu phố vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, đóng góp kinh phí tráng xi măng, trải thảm nhựa, trồng cây tạo cảnh quan môi trường…
Chi ra chứ không tư túi
Hơn 20 năm trước, khi rời quân ngũ về địa phương, ông Trịnh Phi Long nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ dân phố 55 (khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM). Đây là địa bàn đối diện Bến xe miền Đông, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Xung quanh bến xe là dãy phòng trọ, hàng ăn, quán nhậu… là nơi tụ tập các thành phần xã hội phức tạp.
Ông Long kể: “Địa bàn phức tạp nên tôi lo lắm. Tuy nhiên, nhờ nhiều cư dân dũng cảm, không ngại va chạm, hỗ trợ hết mình, tích cực phát hiện và thông báo cho công an truy bắt tội phạm nên các băng nhóm trấn lột tài sản, tổ chức mại dâm, cho vay nặng lãi… không còn nơi ẩn náu, lẩn trốn đi nơi khác, tình hình an ninh dần ổn định”.
Hồi ấy, khu vực này chỉ có đường đất, còn nhiều ao hồ, ảnh hưởng đến việc đi lại của cư dân. Do vậy, tổ dân phố và khu phố tập trung vận động san lấp, mở rộng hẻm, tráng xi măng, giữ đường phố thông thoáng, sạch đẹp, nâng cao ý thức người dân.
Ông Bình chia sẻ: “Để đảm đương tốt công việc tổ trưởng dân phố, cũng phải học nhiều lắm. Vận động kinh phí để xây dựng địa phương, chăm lo dân sinh, thực hiện các chương trình tình nghĩa và tổ chức phong trào là việc không dễ dàng nếu không có sự quyết tâm và gương mẫu của ban điều hành tổ dân phố. Ý thức như vậy nên khi tổ chức vận động kinh phí, ban điều hành tổ dân phố phải họp và thống nhất đóng góp trước. Nhân dân thấy mình gương mẫu thì mới tin tưởng đóng góp, hỗ trợ. Công khai, minh bạch là bài học đầu tiên phải ghi nhớ, làm theo. Tôi luôn tâm niệm chỉ bỏ tiền ra, chứ không được tư túi”.