Chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” là một hoạt động nhân ái do Phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Trung tâm CTXH thanh niên TPHCM tổ chức định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), dành cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây.
Ngày chủ nhật ấm áp niềm vui
Đến dự chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” diễn ra sáng chủ nhật 7-5-2017 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh xúc động và được nghe những lời thân ái của các bệnh nhân tâm tình với tình nguyện viên: “Chú ca sĩ hát thêm nữa đi, hát cho người bệnh chúng tôi nghe đỡ đau, đỡ buồn”; “Dì mong các con hoài, tóc dì nhanh dài lắm mà nằm bệnh viện có đi ra ngoài được để cắt đâu. Đợt trước các con cắt vẫn dài đấy, bữa nay cắt ngắn hẳn lên cho dì nhé, cho mát chứ nóng nực lắm. Bệnh nhân ở đây ai cũng mong các con”; “Em trai cắt tóc cho chồng chị đẹp đẹp nhé, tính ổng thích đầu tóc gọn gàng nhưng từ lúc tai nạn rồi nằm cả tháng trời trong bệnh viện không đi cắt tóc được nên ổng cũng bức bối, mà chị cắt thì ổng không ưng”…
Dù đến 8 giờ 30 chương trình mới bắt đầu nhưng từ rất sớm, các bệnh nhân đã tập trung đông đủ ở sảnh để tham dự. Nhạc nổi lên, các bệnh nhân như được truyền thêm sức sống, không còn vẻ buồn bã, mệt mỏi trên gương mặt, mọi người vui vẻ vỗ tay theo nhịp bài hát… Nhận thư mời tham gia chương trình trước đó 2 ngày, bà Huỳnh Thị Thư (quê Bình Thuận) háo hức chờ ngày chương trình tổ chức. Bà Thư tâm sự: “Bệnh nhân chúng tôi nói vui với nhau là hôm nay được đi hưởng thụ, vì được nghe ca sĩ hát, được cắt tóc gội đầu như ngoài tiệm, rồi lại còn được chiêu đãi bữa ăn trưa thịnh soạn. Nằm trong bệnh viện bí bách lắm cô ạ, đủ thứ thuốc vào người. Phải cảm ơn bệnh viện, cảm ơn các cô chú tình nguyện viên đã bỏ công sức tới đây giúp người bệnh”. Bị tai nạn phải tháo khớp gối cả 2 chân, anh Hàn Văn Thắng (quê Bến Tre) trở thành người tàn phế. Vợ anh - chị Đinh Thị Như - chia sẻ: “Từ ngày bị tai nạn, tính tình nhà tôi thay đổi hẳn, cộc cằn lắm. Hôm nay, được xuống sảnh xem ca nhạc, được các anh chị tình nguyện viên cắt tóc, gội đầu, mới thấy ổng cười”.
Ngoài các hoạt động chung dưới sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy phục vụ gần 200 lượt bệnh nhân, các tình nguyện viên còn đến các khoa, ân cần cắt tóc, gội đầu cho những bệnh nhân nặng không thể di chuyển được, để tất cả người bệnh có nhu cầu đều có thể tham gia chương trình. Sau khi nghe ca nhạc, được cắt tóc, gội đầu xong, người bệnh được các tình nguyện viên đưa lên nhà ăn của bệnh viện để ăn trưa. Nhìn những chiếc bàn tròn được phủ khăn trải bàn tươm tất, nhiều người không giấu được sự cảm động. Vừa thưởng thức món bò kho, anh Phạm Hoàng Khôi (quê Tây Ninh) chia sẻ: “Được các anh chị tình nguyện viên ân cần chăm sóc thế này, chúng tôi xúc động lắm. Chương trình đã tiếp thêm động lực để tôi và mọi người cố gắng chữa trị vượt qua bệnh tật, sớm về nhà”.
Lan tỏa chương trình
Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Bắt nguồn từ mục tiêu hoạt động của bệnh viện là vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, chúng tôi đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh và người nhà của họ để cảm nhận. Để người bệnh mau bình phục, ngoài việc tập trung về chuyên môn, cơ sở vật chất và thiết bị điều trị, thì việc ổn định tinh thần của người bệnh cũng có tác động rất lớn đến kết quả điều trị, vì vậy chúng tôi ngồi lại với nhau, bàn cách tạo không khí vui vẻ để động viên tinh thần họ”. Các thành viên Phòng CTXH cùng xây dựng kế hoạch chương trình, được sự hỗ trợ của Trung tâm CTXH thanh niên TPHCM, mọi người thống nhất tổ chức chương trình văn nghệ đem tiếng hát đến với người bệnh. Câu lạc bộ Tóc của Nhà Văn hóa Phụ nữ và Công ty Phúc Thiện nhận cắt tóc, gội đầu miễn phí cho người bệnh. Quán cơm Hạnh Dung cũng ủng hộ các suất ăn để người bệnh ngồi lại cùng dùng bữa trưa với nhau, tạo không khí gần gũi như gia đình. Tất cả những tấm lòng nhân ái ấy cùng tạo nên một chương trình chăm sóc bệnh nhân đậm tính nhân văn.
Anh Phú Thạch, giáo viên dạy cắt tóc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ, chia sẻ: “Chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” rất ý nghĩa và thiết thực, thể hiện sự quan tâm đến người bệnh. Bản thân tôi và 30 anh chị em trong Câu lạc bộ Tóc của Nhà Văn hóa Phụ nữ rất xúc động khi gặp gỡ người bệnh, nghe họ tâm sự, đem chút niềm vui đến với họ. Món quà tinh thần chúng tôi đem đến tuy nhỏ nhưng mong rằng phần nào động viên người bệnh gắng vượt qua bệnh tật”. Ông Lê Minh Hiển tâm sự: “Chúng tôi thấy những nụ cười, cả những giọt nước mắt xúc động của người bệnh khi tham gia chương trình, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện những chương trình tiếp theo. Hy vọng chương trình sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, kết nối được nhiều tình nguyện viên hơn nữa để giúp người bệnh”.