Anh đã phải trải qua tuổi thơ bất hạnh, năm lên 5 tuổi anh lên cơn sốt nặng khiến đôi chân bị teo lại, yếu dần đi và mất khả năng hoạt động một chân. Anh Dũng chia sẻ: “Hồi trước, bố mẹ cho một chiếc xe đạp, khi xe bị hư hỏng không có tiền đi sửa, tôi mày mò tự sửa, rồi từ đó biết sửa xe. Năm 2002, khi tôi lập gia đình, ra ở riêng, bố mẹ cho rẫy ở gần bản Bù (thuộc xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) nên tôi thường xuyên qua lại để chăm sóc. Khi đi tắt qua bản thấy xe đạp của trẻ em hư hỏng vứt ở chuồng trâu, chuồng bò rất nhiều, các gia đình ở bản phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn, học trò đi học rất xa, nhiều cháu không có xe hay xe hỏng không sửa được, phải đi bộ tới trường. Thấy thế nên tôi sửa xe đạp giúp các cháu có xe đến trường. Từ đó tới nay, mỗi khi hay tin cháu nào có xe hư hỏng, không chỉ riêng với bản Bù, mà còn nhiều bản khác, tôi đều sẵn sàng tới để sửa xe đạp cho các cháu”.
Cứ đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật khi học sinh được nghỉ học, anh tạm gác lại công việc nương rẫy vượt quãng đường xa có khi 25km - 30km trên chiếc xe máy quen thuộc tìm tới những bản làng xa xôi để sửa xe cho các cháu.
Anh Dũng kể: “Ở các bản, đường sá xa xôi gồ ghề, dốc vực nguy hiểm, nên mấy cháu nhỏ đi học mà xe bị hư hỏng là nguy hiểm lắm. Thấy các cháu đi trên chiếc xe mình sửa xong để tới trường, tôi rất vui, dù chỉ là việc nhỏ bé. Mỗi chiếc xe đạp được sửa chữa, lăn bánh trên đường là một ước mơ hy vọng cho những trẻ em nghèo nơi đây được cất bước tới trường, chặng đường tìm chữ của các cháu giảm phần cơ cực”.