Tằn tiện và hoang phí

Người ta thường dùng từ “nội tướng” để chỉ vai trò quan trọng của các bà vợ trong gia đình. Có những phụ nữ khéo thu vén nên dù vợ chồng thu nhập không cao nhưng sống thoải mái. Bên cạnh đó, cũng có không ít bà vợ xài hoang phí hoặc ky bo quá mức, khiến gia đình luôn bất hòa.

1. Trước đây, mỗi khi vui vẻ, Khanh (ngụ phường 14, quận 10, TPHCM) thường gọi đùa vợ mình là “trùm sò” vì tính chi li của Chi. Trong nhà không có mấy khoản chi tiêu nhưng chị sắm hẳn một cuốn sổ to ghi chép cẩn thận, để rồi cuối tháng tổng kết thu chi và bắt đầu cằn nhằn. Nào là xài kiểu gì mà hao quá trời, ngồi ăn không núi cũng lở, nào là cha con phải biết tiết kiệm lại...

CN4 mai am.jpg
Vợ chồng trẻ mua sắm thực phẩm trong siêu thị tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có những lúc anh Khanh định hâm nóng tình cảm vợ chồng bằng những buổi đi cà phê, nghỉ mát thì đều nhận được những lời từ chối thẳng thừng. Chị cho là không cần thiết, bây giờ phải tích lũy để lo sau này. Anh Khanh còn nhớ sự hụt hẫng của mình vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Anh trích phần cơ quan thưởng nhân ngày lễ Quốc tế Lao động 1-5, mua tặng chị bó hoa hồng đỏ thắm, cùng một chiếc bánh kem to tướng. Tưởng vợ sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc, ai ngờ chị đùng đùng nổi giận, cho là anh xài hoang, bao nhiêu tiền đó đủ để cả nhà chi tiêu mấy ngày.

Chị chỉ bỏ tiền ra mua những đồ dùng thiết yếu không thể không dùng. Khi mua gì, chị cũng nhấc lên đặt xuống đến năm lần bảy lượt mới quyết và trả giá, kỳ kèo đến mức anh cũng ngượng ngùng với người bán. Chưa hết, chị còn tận dụng thời gian để làm ra tiền. Chị bấm bụng sắm một chiếc tủ kem rồi thức khuya, dậy sớm làm yaourt, sinh tố đi bỏ mối. Không biết hiệu quả thế nào, chứ người bị ảnh hưởng nhất là anh Khanh. Đi làm về, anh không được yên tĩnh nghỉ ngơi, vì sau khi cất chiếc giỏ là chị bày biện vô bịch sinh tố. Con cái không ai chăm, khóc vang trời. Anh lại phải xoay trần ra phụ. Năn nỉ ỉ ôi nhưng vẫn không thuyết phục vợ bỏ “nghề tay trái”, vì cái lý của chị là kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy, phòng khi… Mỗi khi bạn bè rủ rê nhậu nhẹt, anh thường từ chối vì trong túi chỉ đủ tiền đổ xăng và ăn cơm bụi mỗi ngày. Trong đầu anh bắt đầu nghĩ đến chuyện phải lập “quỹ đen”.

Thực ra, cảnh nhà của anh chị cũng không đến nỗi. Cả hai cùng làm ở những cơ quan hành chính có thu, thu nhập còn cao hơn nhiều người lao động khác. Thế nhưng, bữa ăn của hai vợ chồng thường đạm bạc. Mỗi khi, anh đề nghị nên nấu món này món kia để cải thiện, chị đều gạt ngang, rồi kể một tràng, nào là phải để dành tiền lo cái này cái nọ, khiến anh đành im lặng, chịu thua.

2. Ngược với vợ anh Khanh, lúc nào cũng ky bo, tằn tiện vì những mục tiêu mà chị cho là hợp lý, chị Xuân (ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM), có phương châm “ăn cho mình, mặc cho người” nên tiêu pha không tiếc tiền cho hai mục tiêu ăn và mặc. Mỗi lần đi tiệc tùng về, thấy có những món ngon, lạ thì y như rằng qua ngày sau, chị đi chợ mua nguyên liệu về để làm cho cả nhà ăn. Khổ nỗi, đâu phải lúc nào ăn cũng hết, thường là hôm sau phải bỏ hết nửa vào thùng rác. Chuyện mặc, chị cũng không muốn thua kém bạn bè. Ai có gì, chị có nấy, quần áo trong tủ không bộ nào chị mặc đến lần thứ ba.

Đã vậy, chị còn sĩ diện, không muốn chồng con thua ai, cũng sắm sửa trang bị cho anh không thiếu thứ gì, từ điện thoại xịn, xe xịn cho đến quần áo mới. Mỗi khi có người góp ý, chị luôn biện minh rằng mình không phải là người tiêu xài hoang phí mà biết sử dụng đồng tiền đúng chỗ. Tuy nhiên, do không khéo chi tiêu nên gia đình luôn xảy ra cảnh “no dồn, đói góp”. Đau khổ nhất là đến lúc cần tiền trị bệnh, anh mới ngã ngửa khi biết toàn bộ số tiền dành dụm được chị lấy ra tiêu pha hết cho việc ăn và mặc. Gặng hỏi, chị lại bù lu bù loa rằng mình tiêu tiền cho những nhu cầu của gia đình chứ đâu có bài bạc, giấu giếm cho ai đâu và trách móc chồng ky bo và không tin tưởng vợ.

***

Chi tiêu trong gia đình là chuyện tế nhị, không khéo dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột vợ chồng. Nhiều ông chồng vẫn than phiền vợ mình quản lý tiền bạc quá chặt. Mỗi tháng, họ đưa hết thu nhập cho vợ và nhận lại số tiền ít ỏi để chi tiêu mỗi ngày. Điều đó khiến họ cảm thấy bức bối, khó chịu và nảy sinh ý nghĩ lập quỹ riêng như anh Khanh.

Người vợ có thể có ý thức tiết kiệm nhưng không thể buộc chồng phải chi li như mình. Sự thẳng thừng trong cách ứng xử, dù với mục đích tiết kiệm cho gia đình, vẫn có thể làm tổn thương và khiến ông chồng có cảm giác bị “bóc lột”. Ngoài ra, người vợ cũng không nên ỷ lại vào chồng, không nên nghĩ là hết tiền thì chồng có nhiệm vụ phải lo rồi vung tay quá trán. Có những ông chồng vì thương nên chiều theo ý muốn mua sắm của vợ, sợ ngăn cản thì bị cho là keo kiệt, đến chừng thói quen hoang phí ăn sâu thì khó mà sửa. Cách tốt nhất là vợ chồng bàn bạc đề ra hướng chi tiêu như thế nào mà cả hai đều thoải mái chấp nhận.

Tin cùng chuyên mục