Tân Thủ tướng Johnson cam kết sẽ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) chỉ trong hơn 3 tháng tới bằng bất cứ giá nào. Điều này cũng gây nhiều rủi ro cho nước Anh vì họ sẽ bị thiệt hại nặng nếu Brexit mà không có thỏa thuận với EU.
Brexit cứng?
Johnson và đối thủ của ông, đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt, đã dành cả tháng trước đi khắp đất nước để tìm cách giành chiến thắng trước 200.000 thành viên đảng Bảo thủ, những người bầu chọn nhà lãnh đạo mới của Anh. Thủ tướng Theresa May trả lời các câu hỏi tại quốc hội với tư cách thủ tướng lần cuối cùng vào trưa 24-7 (giờ GMT). Sau đó, bà sẽ có bài phát biểu cuối cùng bên ngoài văn phòng thủ tướng ở số 10 Downing Street trước khi đến cung điện Buckingham để làm thủ tục từ chức trước Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng sau đó sẽ mời nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ mới thành lập chính phủ. Tân thủ tướng sẽ nắm quyền ngay vào chiều 24-7, kế nhiệm bà Theresa May, người đã từ chức vì thất bại trong việc 3 lần trình quốc hội phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà nội các của bà đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Johnson, cựu thị trưởng London, đã từ chức bộ trưởng ngoại giao một năm trước do bất đồng với bà May về kế hoạch Brexit. Theo kênh truyền hình France 24, nhiều khả năng ông Johnson sẽ tiếp tục gặp khủng hoảng chính trị về Brexit từ đây đến thời hạn chót vào ngày 31-10. Ông Johnson khó có thể thuyết phục EU đàm phán lại thỏa thuận Brexit khi mà các nhà lãnh đạo EU từng tuyên bố không thể có chuyện đàm phán lại. Nếu không, nước Anh sẽ phải Brexit mà không có thỏa thuận với EU (Brexit cứng), cũng là giải pháp mà ông Johnson đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng chọn. Tuy nhiên, ngay trong đảng Bảo thủ cũng có nhiều thành viên thề sẽ ngăn ông chọn điều đó. Vấn đề này sẽ làm gia tăng sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ. Hiện đã có Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Tư pháp David Gauke tuyên bố có kế hoạch từ chức trước khi bị cách chức nếu ông Johnson chọn Brexit cứng.
Khó khăn chồng chất
Brexit cứng sẽ đột ngột đẩy nền kinh tế Anh suy giảm mạnh. Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính thế giới và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính quốc tế nổi tiếng của London.
Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Johnson sẽ phải đương đầu với quan hệ đang sóng gió với Iran trong bối cảnh Tehran chiếm giữ chiếc tàu Stena Impero được gắn cờ Anh tại eo biển chiến lược Hormuz trả đũa cho việc Anh bắt tàu Iran Grace 1. Thủ tướng Anh và quốc hội nước này sẽ vừa phải giải quyết vấn đề Brexit vừa phải quyết định xem có tham gia hay không liên minh (nếu có) do Mỹ đứng đầu tấn công Iran. Nhiều nghị sĩ Anh cho biết đang lên kế hoạch cho một lực lượng bảo vệ do châu Âu đứng đầu bảo đảm an ninh cho tàu vận tải đi qua vùng Vịnh.
Ngoài ra, đảng Dân chủ Tự do đối lập ở Anh cũng đã có lãnh đạo mới, bà Jo Swinson. Đây là lần đầu tiên đảng chủ trương chống Brexit này có lãnh đạo là nữ. Phát biểu sau khi kết quả bầu lãnh đạo đảng được công bố, bà Swinson tuyên bố: “Tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn Brexit. Tôi đã sẵn sàng để đưa đảng của chúng ta tham gia một cuộc tổng tuyển cử và giành chiến thắng”. Bà Swinson, 39 tuổi, trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do sau khi đánh bại đối thủ Ed Davey với số phiếu chênh lệch 47.997/28.021 trong cuộc bỏ phiếu có sự tham gia của 72% số đảng viên đảng này. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi cuối tháng 5 vừa qua tại Anh, với quan điểm cứng rắn chống Brexit, đảng này đã bất ngờ giành vị trí số 2 sau đảng Brexit của ông Nigel Farage mới thành lập đầu năm nay. Bà Swinson đã bác bỏ khả năng liên minh với Công đảng đối lập vì quan điểm mập mờ của đảng này về Brexit.