Tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về quyền lợi người tiêu dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ủng hộ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp, vụ việc dân sự, song đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tại sao trong thực tế thủ tục rút gọn rất ít được áp dụng, để có những quy định phù hợp, đảm bảo khả thi khi luật có hiệu lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 15-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Về khái niệm “người tiêu dùng" liên quan đến phạm vi điều chỉnh, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đề nghị quy định như luật hiện hành. Theo đó, khái niệm người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Tuy nhiên, Chính phủ trình khái niệm “người tiêu dùng” không bao gồm tổ chức.

Về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đề nghị kế thừa như luật hiện hành và bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ Luật tố tụng dân sự để đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân tối cao và một số ý kiến đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật.

Đại biểu dự phiên họp

Đại biểu dự phiên họp

Về khái niệm “người tiêu dùng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Lưu ý thêm về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị ban soạn thảo có thể nghiên cứu, xem xét bổ sung trong trường hợp các bên thỏa thuận thì hợp đồng giao kết bằng chữ viết dân tộc thiểu số để đảm bảo thực hiện đúng các quy định và các dân tộc có quyền được dùng tiếng nói (nêu tại Khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cơ bản thống nhất nội dung giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đề nghị nêu rõ trong luật “người tiêu dùng” gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng giữa các tổ chức - vốn là vấn đề tương đối phức tạp, khó xử lý hiện nay. Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 69 dự thảo luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại Khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Đây cũng là quan điểm được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình. Ông Hoàng Thanh Tùng ủng hộ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp, vụ việc dân sự, song đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tại sao trong thực tế thủ tục rút gọn rất ít được áp dụng, làm rõ những bất cập, vướng mắc, để có những quy định phù hợp, đảm bảo khả thi khi luật có hiệu lực.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), với 148 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại hội trường.

Tin cùng chuyên mục