Trong câu chuyện, không có người hùng nào như báo chí ca ngợi hay người dân ưu ái gọi, với anh, đó là việc phụng sự một sứ mệnh mà anh đã chọn lựa, là sự dấn thân của một “thủ lĩnh” Đoàn.
Hành trình thấm đẫm cảm xúc
Chuyến bay ngày 28-7 đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo được nhiều người gọi là “chuyến bay lịch sử”, bởi nó có quá nhiều điều đặc biệt. Đó là chuyến bay đầu tiên đón số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có một số bệnh nhân nặng. Quá trình tổ chức chuyến bay rất phức tạp vì chưa từng có đường bay thẳng với Việt Nam; sân bay điểm đến bị hạn chế về hạ tầng; Cục Hàng không Việt Nam phải xin phép nhiều quốc gia để được bay qua không phận; thời gian bay kéo dài…
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, nhiều bác sĩ trẻ đã xung phong tham gia chuyến bay này nhưng chỉ có 4 người được chọn. BS Thân Mạnh Hùng được chỉ định là tổ trưởng tổ y tế trên chuyến bay bởi ban giám đốc bệnh viện tin tưởng vào tay nghề, vào kinh nghiệm và khả năng xử trí những tình huống khó của anh.
Đã có gần 15 năm làm nghề, từng đối diện với nhiều thời khắc cam go sinh tử nhưng với BS Thân Mạnh Hùng, chuyến bay đến Guinea Xích đạo mới thực sự là một câu chuyện chạm đến những tầng sâu cảm xúc mà anh từng trải qua. Đó không chỉ là một kỳ tích về nghiệp vụ mà hơn hết, đó là một câu chuyện đẹp, đầy tính nhân văn về trách nhiệm với công dân của Đảng, Chính phủ, về sự quả cảm của tất cả thành viên trong đoàn.
Nhớ lại giây phút máy bay hạ cánh ở một sân bay xa lạ, nơi 219 con dân đất Việt trong cảnh kiệt quệ cả sức khỏe và tinh thần đang mong ngóng từng giờ được trở về quê mẹ, BS Thân Mạnh Hùng vẫn còn chưa hết xúc động: “Chưa bao giờ hai chữ đồng bào lại làm tôi nghẹn ngào đến rơi nước mắt như thế, đúng nghĩa là ruột thịt của mình. Và tôi nghĩ, với những người dân được đón hôm ấy, chưa bao giờ hai chữ Tổ quốc trong lòng họ lại gần gũi, thân thương như vậy”.
Ít người biết rằng, trong kịch bản ban đầu, bác sĩ sẽ xuống máy bay để sàng lọc bệnh nhân. Ca nào đủ sức khỏe mới được bay, bởi trên máy bay áp suất không khí khác, nồng độ ôxy thấp, bệnh nhân nặng sẽ không đảm bảo an toàn, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên sau đó, cả ê kíp nhận được lệnh của cấp trên là phải cố gắng đón hết người về, kể cả bệnh nhân nặng. Đó là một quyết định không dễ dàng, tăng áp lực cho tổ y tế nhưng nó đã mang lại một niềm tin sâu sắc rằng “Tổ quốc sẽ không bỏ rơi ai”.
Để làm tốt trọng trách được giao, tổ trưởng y tế Thân Mạnh Hùng phải rà soát lại toàn bộ quy trình và động viên anh em cố gắng hết sức. Rất may, chuyến bay đã thành công mỹ mãn, không có ca nào bị trở nặng hơn khi lên trên máy bay, chỉ một số bệnh nhân sốt, đi ngoài, khó thở nhẹ đã được hỗ trợ kịp thời. “Hành trình 30 tiếng trên bầu trời và 21 ngày cách ly dưới mặt đất thực sự là một hành trình thấm đẫm cảm xúc, mồ hôi, nước mắt, tình đồng đội, tình yêu thương gia đình, bạn bè và đồng nghiệp”, anh Hùng chia sẻ.
Có lệnh là lên đường
Trong con mắt Điều dưỡng trưởng của Khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Thị Thu Hà, anh Hùng là một bí thư Đoàn năng nổ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với khoảng 230 đoàn viên. Anh cũng là “linh hồn” của CLB bác sĩ trẻ với nhiều hoạt động chuyên môn sôi nổi, từ chia sẻ bài giảng, kinh nghiệm, tập huấn công tác phòng chống dịch... Ngay cả khi cách ly 21 ngày tại bệnh viện, anh Hùng vẫn tham gia hội chẩn trực tuyến về các ca bệnh khó. Rồi anh cặm cụi viết báo cáo kinh nghiệm đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo để làm tài liệu cho việc tổ chức các chuyến bay tương tự. Đó chính là tinh thần gương mẫu, xung kích, sáng tạo của một thủ lĩnh Đoàn.
BS Đinh Thị Thu Hương kể, anh Hùng là người luôn tận tình với người bệnh, hết lòng vì công việc và luôn nhận những việc khó về mình, ví dụ như khi phải trực tiếp thăm khám cho những ca bệnh đầu tiên, hay khi phải “trực chiến” dài ngày trong bệnh viện dịp cao điểm chống dịch. Mùng 5 Tết Canh Tý, có mấy trường hợp từ Vũ Hán về Việt Nam có kết quả dương tính, thế là từ mùng 6 Tết anh Hùng đã cùng nhiều đồng nghiệp xách va li quần áo vào “cắm chốt” ở bệnh viện và ở liền… 3 tháng.
Đến đợt 2, bắt đầu từ khi xuất hiện ca bệnh thứ 17, anh và các đồng nghiệp lại khăn gói vào viện, lần này anh ở liền 1 tháng. Thành quả của cả 2 đợt là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã cứu sống nhiều trường hợp ngoạn mục, trong đó có một bệnh nhân ngừng tim 45 phút nhưng nhờ can thiệp kịp đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bệnh viện cũng cứu được nhiều bệnh nhân người nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ, bảo vệ được thành quả chung chống dịch Covid-19 của cả nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong đợt 3 này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều bệnh nhân từ Đà Nẵng về, trong đó có 4 bệnh nhân nặng, phải thở máy, dùng ECMO (tim phổi nhân tạo) hơn 10 ngày nhưng nhờ điều trị đúng hướng và tích cực nên có tiến triển tốt.
Anh Hùng tự hào khoe: “Đến nay, với việc tiếp nhận, chữa trị cho khoảng 50% ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn giữ được sạch lưới, chưa có ca nào tử vong”.
Miệt mài với công việc nhưng rất may, vợ anh Hùng cũng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương nên anh không cần giải thích nhiều. Tuy nhiên, vì cùng nghề mà nhiều khi vợ chồng anh phải rất cố gắng mới có thể thu xếp ổn thỏa cuộc sống, ví dụ như cứ mỗi tuần anh phải gửi lịch trực đêm cho vợ để nếu trùng lịch thì vợ xin đổi ca.
Ánh mắt anh ánh lên niềm vui lẫn sự biết ơn khi nhắc về người bạn đời của mình: “Vợ tôi đúng là siêu nhân, vừa phải lo công tác chuyên môn vừa phải cân tất việc nhà, con cái”. Nói vậy nhưng với 2 cậu con trai nhỏ đứa lớp 4, đứa lớp 1, anh Hùng vẫn cố gắng tranh thủ từng giờ phút rảnh rỗi để chơi với con, giúp con giải những bài toán khó. Không ít lần 2 cha con phải học toán cùng nhau qua điện thoại hay cuộc gọi video. Là người chiến sĩ áo trắng ra trận ở tuyến đầu chống dịch nhưng anh lại luôn là người động viên ngược lại hậu phương.
Chính phủ Việt Nam xác định chống dịch như chống giặc nên y bác sĩ chính là những người lính nơi tuyến đầu. Họ chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng nếu Tổ quốc và nhân dân cần.
BS Thân Mạnh Hùng tâm sự: “Mỗi người sống ở trên đời đều có một sứ mệnh, sứ mệnh của bác sĩ là cứu người. Không phải riêng tôi mà cả đồng nghiệp cũng vậy, khi đã chọn cho mình sứ mệnh cứu người thì phải tận tâm, tận lực, không bao giờ quản ngại hiểm nguy. Chúng tôi chỉ cần có lệnh là lên đường”!