Ngay trên đường dẫn vào làng cam Bắc Phong, người dân bàn tán xót xa trước tình trạng hàng loạt vườn cam, đồi cam không ra quả, lá ngả sang màu đỏ như đồng. “Con trai tôi vừa phá bỏ nửa đồi cam”, một cụ già cho biết, rồi hướng dẫn chúng tôi đến vùng trồng cam để… mục sở thị.
Trên những quả đồi thoải dài nối tiếp ở khu vực giữa xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong, hàng trăm máy xúc đang múc bỏ cả loạt gốc cam 10-15 năm tuổi. Từ trên đỉnh đồi trông xuống, những vườn cam, trại cam vuông vắn vốn đẹp như mơ, trải rộng hàng trăm hécta với màu xanh mướt, đang chuyển sang màu vàng quạch, màu đỏ như bị cháy nắng. Ông Phạm Văn Lâm (xóm Bắc Sơn, xã Bắc Phong) chỉ đống gốc cam nằm chỏng chơ như củi, cho biết, vườn cam của gia đình đã trồng hơn 10 năm vừa phải chặt bỏ vì không ra quả. “Không riêng Bắc Phong mà hàng trăm, hàng ngàn vườn cam ở Cao Phong đang bị hiện tượng từ trước đến nay chưa từng gặp, đó là lá đang tươi xanh dần chuyển sang đỏ quạch như đồng, năng suất giảm trầm trọng. Bình thường trước đây, cam cho sản lượng khoảng 2 tạ quả/cây thì bây giờ chỉ còn 30-40kg/cây”, ông Lâm ngán ngẩm.
Theo nhiều hộ trồng cam, không chỉ năng suất giảm mà trái cam khi sắp chín còn có hiện tượng bị “beo” (vỏ như bị héo, múi teo, ăn nhạt nhẽo). Một số khác thì quả bị lụi, cháy đen ngay khi vừa đậu quả, đành bỏ. Không chỉ cam trồng lâu năm, mà nhiều đồi cam mới trồng 2-3 năm cũng mắc căn bệnh tương tự. Tình trạng này khiến các hộ trồng cam thiệt hại khá lớn. Theo tính toán của ông Phạm Văn Lâm, 1.200 gốc cam của gia đình tiêu tốn 160-170 triệu đồng/năm (chỉ tính riêng tiền thuốc trừ sâu và phân bón), chưa tính tiền công thuê người chăm sóc làm cỏ, phun thuốc, trong khi cam không cho trái hoặc sụt giảm mạnh năng suất nên chỉ thu về rất ít, thua lỗ lớn.
Theo ghi nhận, thời điểm tháng 4-2022, tổng diện tích cam vùng Cao Phong bị phá lên tới hơn 50%. Số còn lại chưa phá thì hầu như cũng đã bị hỏng, sớm muộn sẽ bị phá hoặc bỏ hoang cho tự lụi. Vựa cam “khủng” và nổi tiếng được dự báo sẽ bị xóa sổ trong thời gian ngắn tới. |
Thất thu từ trồng cam, một số người dân chuyển đổi cây trồng khác. Với mảnh vườn rộng 3.000m2, anh Ngô Văn Thắng đã nhổ sạch cam, chuyển sang trồng chuối tiêu hồng. Anh Thắng khẳng định, cam bị hỏng trên diện rộng như hiện nay là do ngộ độc thuốc và hóa chất, nên các gia đình đang bất đắc dĩ chuyển dần sang trồng ngô, chuối, đậu... để cải tạo đất. Tuy nhiên, vẫn còn những người vì tiếc nuối vườn cam đã từng thu bạc tỷ ở thời hoàng kim, đang tìm mọi cách cứu chữa.
Trước thực trạng trên, nhiều nông dân tâm huyết, gắn bó với cam Cao Phong từ hơn 20 năm nay mong muốn cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân cam bị hiện tượng kỳ lạ trên diện rộng, để nông dân có thể đưa ra quyết định nên tiếp tục tìm mọi cách cứu chữa, phục hồi số cam còn chưa bị phá, hay phá bỏ, chuyển sang loại cây trồng khác để đất không bị lãng phí.