Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo luật lần này là bổ sung quy định các điều kiện cấp giấy phép băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp lại; bổ sung quy định đối với băng tần được sử dụng để thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông được áp dụng phương thức cấp giấy phép trực tiếp; bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số không phù hợp với quy hoạch trong không gian, thời gian nhất định (để phục vụ sản xuất, nghiên cứu phát triển, các sự kiện đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép...).
Dự thảo cũng đã bổ sung, sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân không nộp đúng, đủ, kịp thời phí sử dụng tần số thì bị thu hồi giấy phép và khi bị thu hồi thì không được hoàn trả tiền cấp quyền, phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật cũng như nhiều nội dung trong dự thảo luật. Tuy nhiên, về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định việc đấu giá quyền sử dụng đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng như trong dự thảo Luật đã thể hiện nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chưa nên đặt vấn đề đấu giá đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng trong thời điểm hiện nay. Vì các nhà mạng viễn thông di động lớn ở nước ta hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chưa nên đấu giá.
Tán thành quy định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, song Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh yêu cầu cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như luật hiện hành.
Không phản đối việc đấu giá, song Phó Chủ tịch Trần Quang Phương yêu cầu những quy định về đấu giá phải tường minh, trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động chính sách. “Tần số vô tuyến điện không phải cơ sở hạ tầng đơn thuần, không phải con đường mà tất cả mọi người có thể đi chung. Những dải tần được sử dụng cho quốc phòng an ninh phải được bảo mật rất cao. Đặc biệt, luật cần có quy định những trường hợp cơ quan nhà nước có quyền thu hồi băng tần đã giao để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh”. |
Chia sẻ quan điểm của Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý thêm, sau đấu giá, băng tần là tài sản của doanh nghiệp, nhưng phải được đưa vào sử dụng, không được “ôm vào” để đầu cơ bán lại, vì đây là tài nguyên quý giá của quốc gia. “Cần phải có cơ chế xử lý việc này”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, quan điểm lớn cần quán triệt trong dự thảo luật là tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị trong thời đại số. “Tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là chủ quyền quốc gia. Hạ tầng số hiện đại và niềm tin vào an ninh số của một quốc gia là yếu tố đảm bảo phát triển và hội nhập quốc tế”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ hàng loạt vấn đề như điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất; tiêu chí thi tuyển, đấu giá, trong đó đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, nhất là doanh nghiệp niêm yết, vì điều này có liên quan mật thiết đến chủ quyền quốc gia.
Định nghĩa về “băng tần có giá trị thương mại cao” để đưa ra đấu giá hoặc thi tuyển sử dụng trong từng thời kỳ cũng được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ. Bên cạnh đó, lý do nào khiến cho 10 năm qua luật đã quy định mà không có trường hợp nào làm được? “Liệu 10 năm sau có mấy trường hợp? Chúng ta cũng đã có Luật Đấu giá tài sản rồi, quy trình đấu giá băng tần này có đặc thù thì thực hiện theo Luật Đấu giá hay luật này? “. Chủ tịch Quốc hội chất vấn.