Tân sinh viên: Chủ động việc học, tránh xa cạm bẫy

Tân sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đã và đang bước vào tuần sinh hoạt đầu khóa do các trường tổ chức. Đây là những buổi học có ý nghĩa quan trọng, giúp các tân sinh viên nắm được nhiều vấn đề “tự chủ” khi bước vào ngưỡng cửa đại học, làm quen với cuộc sống xa gia đình, chủ động về mọi hoạt động như học tập, sinh hoạt, hòa nhập với môi trường hoàn toàn mới.

Xây dựng kế hoạch học tập

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng Ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TPHCM), thống kê hàng năm của các trường đều cho thấy có nhiều sinh viên bị cảnh báo học vụ hoặc đình chỉ học tập, chủ yếu do các nguyên nhân: nợ quá nhiều môn, không hoàn thành học phí, không đi học (chuyên cần)... Do đó, các tân sinh viên cần tham dự đầy đủ các tuần sinh hoạt đầu khóa, vì chương trình này trang bị cho tân sinh viên rất nhiều nội dung trước khi bước vào chương trình học chính thức. Các tân sinh viên sẽ biết việc nên làm, việc không nên làm, cách xây dựng kế hoạch học tập hợp lý...

T4b.jpg
TS Tâm lý học Tô Nhi A nói chuyện với tân sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ngày 15-9

Chia sẻ với tân sinh của trường trong tuần sinh hoạt đầu khóa mới đây, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM, cho rằng: Trúng tuyển vào đại học, các tân sinh viên chỉ mới bắt đầu cho hành trình hoàn thành ước mơ của mình. Chặng đường 3,5-5 năm (tùy theo ngành học) còn lại vẫn còn nhiều khó khăn với các bạn. Do đó, các bạn hãy bình tĩnh, thận trọng để đi hết chặng đường này. Trước hết, tân sinh viên phải tự xây dựng kế hoạch học tập và sinh hoạt một cách phù hợp. Mặt khác, tân sinh viên cần tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm, các buổi ngoại khóa của nhà trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ khi làm việc nhóm - một kỹ năng quan trọng sau khi ra trường và đi làm.

Ngoài kiến thức trên giảng đường, sinh viên cần tăng cường các kỹ năng “mềm” khác, và đây là thời gian quan trọng nhất để các bạn trau dồi ngoại ngữ, tin học, giao tiếp… Môi trường đại học hoàn toàn khác xa so với môi trường ở bậc THPT, nên các bạn phải rèn luyện cho mình tính tự học, tự nghiên cứu liên tục. “Việc chính của sinh viên là học tập, nghiên cứu khoa học. Nếu sắp xếp được thời gian, các bạn nên tìm việc làm thêm phù hợp hoặc tự đầu tư vào lĩnh vực phù hợp để vừa có thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là làm quen với khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Th.S Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM), cho rằng, tham gia chương trình học chính trị đầu khóa, các tân sinh viên cần chú ý đến các nội dung như chương trình đào tạo (số tín chỉ cần hoàn thành, chuẩn đầu ra), công tác sinh viên, công tác khảo thí, các hoạt động Đoàn, hội, xây dựng kế hoạch học tập, làm thêm, học kỹ năng, tiếng Anh… Vì vậy, để có sự chuẩn bị tốt cho hành trình này, tân sinh viên đặc biệt phải quản lý tốt việc học tập. Các bạn cần tìm hiểu kỹ về các quy chế đào tạo và các quy định có liên quan đến xử lý học vụ, như: đăng ký học phần, điều kiện xét học vụ, xét tốt nghiệp; thang đo đánh giá kết quả học tập; chuẩn đầu ra; các quy định, chính sách trong công tác sinh viên… Đây sẽ là những thông tin giúp các bạn chủ động và chỉn chu trong việc xác định mục tiêu học tập, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân, tránh những áp lực hoặc sự cố không đáng có trong quá trình học tập.

Tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, một lợi ích dễ nhận thấy nhất khi sinh viên tham gia hoạt động Đoàn, hội, câu lạc bộ của các trường chính là sức mạnh của các mối quan hệ xã hội, điều này đặc biệt đúng sau khi đi làm. Khi bước vào môi trường học tập mới, việc tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm sẽ đưa các bạn đồng trang lứa ở mọi miền đất nước xích lại gần nhau, nơi mà các bạn sẽ được các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như tự bản thân trải nghiệm những điều ý nghĩa thông qua các hoạt động ngoại khóa, dự án cộng đồng. Lựa chọn những tổ chức, câu lạc bộ phù hợp với sở thích, đam mê cá nhân, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo cân đối được việc học tập và các hoạt động.

Trong khi đó, Th.S Đặng Kiên Cường, Trưởng Phòng Công tác Sinh viên (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), chia sẻ, sinh viên phải học cách tự chịu trách nhiệm, ít phụ thuộc vào gia đình và tự tích lũy trải nghiệm cho bản thân. Các bạn có thể thực hiện điều này thông qua việc tìm công việc làm thêm phù hợp. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tiếp cận các nguồn thông tin cung cấp việc làm là không khó; tuy nhiên, các bạn nên có sự tính toán và lựa chọn phù hợp, ưu tiên các công việc thực tập bán thời gian có liên quan đến ngành học hoặc định hướng nghề nghiệp mà bạn đã lựa chọn. Các kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy trong thời gian này sẽ là hành trang vững chắc cho kế hoạch khởi nghiệp hoặc vị trí việc làm của các bạn trong tương lai. Lưu ý rằng, nhiệm vụ chính của các bạn là học, do vậy cần phân bổ thời gian hợp lý, dung hòa giữa việc học và việc làm thêm, tránh để ảnh hưởng đến việc học.

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM), nhấn mạnh: Hiện nay, tân sinh viên đối mặt với nhiều chiêu thức lừa đảo như mạo danh, bị lôi kéo vào các cạm bẫy để chiếm đoạt tiền. Nhiều đối tượng hoạt động đa cấp dụ dỗ sinh viên lấy tiền cha mẹ để tham gia kinh doanh đa cấp... Do đó, ngay trong tuần sinh hoạt đầu khóa, nhiều trường đã dành hẳn một chuyên đề để cảnh báo sinh viên về những vấn đề từ kinh doanh đa cấp, nhận diện các chiêu thức lừa đảo, các hoạt động lôi kéo tham gia các diễn đàn phản động... Các trường đã luôn cảnh báo sinh viên từ năm nhất đến năm cuối, nhưng lo nhất vẫn là sinh viên năm nhất. Chính vì vậy, tân sinh viên tuyệt đối không tham gia vào các đường dây kinh doanh đa cấp, nên cảnh giác với những chiêu trò “việc nhẹ lương cao, đầu tư ít sinh lợi nhiều”.

Tin cùng chuyên mục