Tân Nhựt đổi thay

Thấy xe máy cày kéo rơ moóc chở đầy cát, xi măng, sắt cuộn… rẽ vào đường Thế Lữ, ông Bảy Nhên (67 tuổi, bán nước gần cầu Chợ Đệm) mặt tươi rói. “Sắp có nhà mới mọc nữa rồi, mừng cho bà con. Mới ngày nào xã Tân Nhựt là cánh đồng bưng sình lầy, mưa xuống nước dâng thành biển, dân sống phụ thuộc vào con nước để canh tác lúa 1 vụ và đánh bắt le le, cò. Ấy mà giờ cứ như TP, nước sạch vô đến tận nhà, đường sá khang trang, bà con không lo bệnh tật ban đêm, nhiều hộ còn xây nhà lầu, sắm xe hơi. Tân Nhựt bây giờ ngon lắm…”, ông khoe với chúng tôi như thế khi nói về những đổi thay trên quê hương mình.
Tân Nhựt đổi thay

Thấy xe máy cày kéo rơ moóc chở đầy cát, xi măng, sắt cuộn… rẽ vào đường Thế Lữ, ông Bảy Nhên (67 tuổi, bán nước gần cầu Chợ Đệm) mặt tươi rói. “Sắp có nhà mới mọc nữa rồi, mừng cho bà con. Mới ngày nào xã Tân Nhựt là cánh đồng bưng sình lầy, mưa xuống nước dâng thành biển, dân sống phụ thuộc vào con nước để canh tác lúa 1 vụ và đánh bắt le le, cò. Ấy mà giờ cứ như TP, nước sạch vô đến tận nhà, đường sá khang trang, bà con không lo bệnh tật ban đêm, nhiều hộ còn xây nhà lầu, sắm xe hơi. Tân Nhựt bây giờ ngon lắm…”, ông khoe với chúng tôi như thế khi nói về những đổi thay trên quê hương mình.

Đường bê tông nông thôn vô đến tận ruộng lúa của nông dân.

Vượt khó

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TPHCM) là khu căn cứ cách mạng, trong đó có Láng Le - Bàu Cò là hậu cứ, bàn đạp của các lực lượng vũ trang cách mạng Long An - Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nơi trú quân của Tiểu đoàn 6, An ninh T4, các đơn vị biệt động thành, là nơi để lãnh đạo Xứ ủy, Trung ương cục, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bàn bạc các phương án tác chiến. Và nơi đây từng xảy ra những trận đánh quyết liệt giữa quân ta và quân địch.

Ảnh hưởng của chiến tranh, cùng với đặc điểm địa lý là vùng trũng, thường xuyên bị sình lầy, ngập lụt, Tân Nhựt như vùng “đất chết” những năm sau ngày đất nước thống nhất. Vốn giàu truyền thống cách mạng, không ngại khó trốn khổ, người dân Tân Nhựt vẫn bám trụ, cải tạo vùng đất sình lầy, nhiễm phèn nặng để canh tác lúa 1 vụ/năm. Khi con nước lớn hoặc nắng hạn kéo dài, trồng lúa không được, nông dân lại chuyển sang nuôi gà, vịt.

Gặp thời tiết xấu, vật nuôi dịch bệnh, dân trong xã bàn bạc, chuyển sang cải tạo đất trồng rau màu để đảm bảo cuộc sống. “Cái khó không bao giờ làm khó được người dân Tân Nhựt. Trồng cây lúa không đạt, họ tìm đến cây bông. Nuôi gà, vịt không lãi, họ tính đến chuyện nuôi con cá. Cá thịt lời ít thì chuyển qua nuôi cá cảnh, chứ họ chưa bao giờ ngại khó bỏ xứ đi bao giờ. Dân ở đây có niềm tin vào chính mình dữ dội lắm”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt không tiếc lời khen dân mình.

Và niềm tin đó được đền đáp khi giữa năm 2009, TP đã chọn Tân Nhựt cùng với một số xã khác ở Củ Chi thí điểm đề án xây dựng nông thôn mới. Được hỗ trợ vốn làm ăn, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí xây dựng trường lớp, đường sá, người dân vui như trẩy hội. Nhiều hộ tự nguyện hiến cả ngàn mét vuông đất để xây đường giao thông nông thôn, trường học, khu vui chơi… Ở ấp 4 hiện nay, hàng chục hộ dân đang mạnh dạn vay mượn hàng trăm triệu đồng để mở rộng mô hình VAC, nuôi heo, cá thịt, cá cảnh.

Đổi thay từng ngày

Về lại Tân Nhựt những ngày này, chúng tôi được đi trên những con đường nhựa phẳng phiu, dài tít tắp. Dọc các tuyến đường đê số 1, 2, 3 và 4, thương lái chạy xe tải, xe máy đến tận ruộng, ao để mua lúa tươi, cá tra và cá phi. Đứng trên đường đê đếm tiền sau khi bán được 3,5 tấn lúa tươi, anh Nguyễn Thanh Tâm (nhà ở ấp 4) không giấu được niềm vui. Anh nói: “Vụ này trúng lớn. Trước đây, 6 sào ruộng (6.000m2), chăm sóc kỹ lắm, đến mùa gặt bán lúa tươi, vợ chồng tôi thu được hơn 10 triệu đồng. Bây giờ, nhờ phát triển nông thôn mới, địa phương đưa giống mới, kỹ thuật mới vào canh tác, năng suất tăng lên 3,5 tấn. Lại thêm có đường bê tông, dễ vận chuyển nên thương lái mua 5.000 đồng/kg lúa tươi. Tính ra, vụ này tụi ẵm trọn hơn 17 triệu đồng”. Nói rồi anh bảo vợ tranh thủ ghé qua chợ chiều mua con gà, mớ rau trước cúng tạ ông bà, sau mời hàng xóm đến chung vui. Cách đó không xa, gia đình chị Hồ Thị Minh cũng đang kéo lưới để thu cá tra, cá phi. Kéo được thúng nào, thương lái giành mua hết thúng đó. “Thấy mà ưng cái bụng. Cứ như thế này thì vài năm nữa chắc vợ chồng tui giàu lắm”, chị Minh vừa nói vừa cười. Chị giải thích, thương lái mua nhiều là do cá lớn. Để cá phát triển tốt như thế là nhờ áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi trong chương trình xây dựng nông thôn mới của hội nông dân xã từ 2 năm trước.

Vòng qua những tuyến đường đê bê tông số 3 và 4, chúng tôi đến ấp 1. Ở ấp này, người dân còn vui hơn được trúng mùa, vì con em được đến học ở Trường Tiểu học và mẫu giáo Tân Nhựt vừa mới xây xong, đưa vào hoạt động hơn một tuần qua. Không tận mắt chứng kiến được niềm vui của thầy cô giáo và các em học sinh của trường vì đến đây vào ngày cuối tuần, nhưng thấy ngôi trường mới được xây khang trang, quy mô, được lắp đặt đầy đủ thiết bị dạy học, phương tiện vui chơi, chúng tôi tin chắc việc dạy và học ở Tân Nhựt từ nay sẽ chất lượng hơn. Cách đó không xa, Nhà Thiếu nhi Láng Le - Bàu Cò vẫn rộn ràng tiếng cười đùa của thiếu nhi. Dù ở cách xa trung tâm TPHCM hơn 20km nhưng thanh thiếu niên Tân Nhựt vẫn được giải trí, vui chơi các môn chơi thể dục, thể thao, văn nghệ trong ngày cuối tuần.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Lũy, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, phấn khởi: “Đến nay, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí phát triển xã nông thôn mới. Hầu hết người dân đều có công ăn việc làm, có đất đai để trồng trọt, chăn nuôi. Điều làm người dân toại nguyện nhất là có đường láng nhựa để đi lại thuận tiện, an toàn, có nước sạch sử dụng. Thay đổi rõ nhất là có hộ năm ngoái sống trong căn nhà lụp xụp, năm nay đã ở trong nhà xây khang trang, mua sắm xe máy nhờ trúng mùa…”. Chúng tôi chạy xe máy ra đường Thế Lữ để rời xã Tân Nhựt, hai bên đường nhiều căn nhà đang được xây mới, báo hiệu một sự thay đổi lớn của người dân nơi đây.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục