Tan nát vì titan

Tỉnh Bình Thuận hiện chỉ có 4 dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quặng titan với quy mô nhỏ, thế nhưng thời gian qua, tại các dự án này liên tục xảy ra nhiều sai phạm khiến người dân bức xúc.

Bình Thuận có trữ lượng quặng titan ước tính trên 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng của cả nước. Ngoài 19.000ha trong quy hoạch thăm dò, khai thác titan, địa phương còn 83.000ha thuộc khu vực dự trữ quốc gia về khoáng sản titan. Tuy nhiên, cả tỉnh hiện chỉ có 4 dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quặng titan với quy mô nhỏ, thế nhưng thời gian qua, tại các dự án này liên tục xảy ra nhiều sai phạm khiến người dân bức xúc. 

Hàng loạt sai phạm

Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức đợt kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, tại khu vực Long Sơn - Suối Nước (phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), dự án đầu tư xây dựng khai thác tuyển quặng sa khoáng titan - zircon của Công ty TNHH Phú Hiệp có 4 moong khai thác và các bãi thải đều không có lớp lót đáy nhằm thu gom, xử lý nước thải, dẫn đến một phần nước thải ở các moong thẩm thấu xuống đất và vào nước ngầm. Đồng thời, doanh nghiệp này xây xưởng tuyển tinh quặng sa khoáng trên diện tích đất 2ha không có hồ sơ về môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; nước sử dụng khai thác quặng lấy từ nước ngầm nhưng đơn vị này chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất. Đặc biệt, về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có chứa tính phóng xạ, Công ty Phú Hiệp không có biển báo, kho chứa titan đạt chuẩn. 

Tan nát vì titan ảnh 1 Bên trong đại công trường khai thác titan của Công ty TNHH Phú Hiệp (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) là những hố sâu hoắm, nước đỏ đục

Tương tự, Công ty TNHH Đức Cảnh được cấp phép khai thác titan diện tích 64,5ha, thời hạn khai thác 14,5 năm tại khu vực Thiện Ái 2, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, sau khi công ty này khai thác được khoảng hơn 10ha thì đã xảy ra vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, công ty này đã khai thác ra ngoài diện tích cho phép gần 1.500m². 

Cùng đó, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khai thác mỏ ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né (TP Phan Thiết) chưa có giấy phép khai thác sử dụng các nguồn nước, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác và nộp thuế tài nguyên, ngoài ra còn lập bản đồ hiện trạng khai thác không đúng thực tế. 

Công ty TNHH Tân Quang Cường với dự án mỏ titan Nam Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt… 

Không chỉ vi phạm về thiết kế, bảo vệ môi trường, nhiều chủ đầu tư khai thác titan còn không đóng các khoản phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định.
Trước hàng loạt các sai phạm trên, cuối tháng 8-2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh và Công ty TNHH Phú Hiệp tạm dừng khai thác quặng titan trong vòng 90 ngày để khắc phục các tồn tại, vi phạm. Riêng Công ty Tân Quang Cường phải giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không tác động ở khu vực mỏ cho đến khi xử lý xong các vi phạm.


Người dân bất an, tài nguyên lãng phí

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi quay lại các khu mỏ khai thác titan đã bị UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục sai phạm. Nhiều người dân sống gần khu vực Long Sơn - Suối Nước (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), nơi có mỏ khai thác titan của Công ty TNHH Phú Hiệp, lo lắng cho biết, kể từ ngày công ty này đi vào hoạt động, nguồn nước ngầm của người dân trở nên đục ngầu, không sử dụng được. 

Tương tự, hàng loạt hộ dân sống gần dự án khai thác titan của Công ty TNHH Đức Cảnh (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch dùng để sinh hoạt. Ông T.V.N. (ngụ xã Hòa Thắng) bức xúc: “Không chỉ các giếng nước trở nên đục ngầu mà nguồn nước mặt trong các hồ chứa của gia đình tôi cũng bị đổi màu, không sử dụng được. Nhiều loại cây trong vườn nhà tôi tự nhiên héo úa rồi chết đứng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp vào cuộc kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân”.

Tiếp tục đi sâu vào các dự án titan đã được khai thác ở phường Mũi Né và huyện Bắc Bình, những đồi cát ven biển với hàng dương xanh ngắt ngày nào nay đã trơ trụi, biến thành những hố sâu hoắm, trải dài hàng cây số. Tại điểm khai thác titan của Công ty Phú Hiệp, hàng loạt hố sâu được đào bới để khai thác titan chưa được hoàn thổ hiện đã trở thành những hồ nước rộng lớn, đục ngầu.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong 4 dự án khai thác, chế biến sâu titan đã được cấp phép (hiện đang phải dừng hoạt động để khắc phục sai phạm - PV) thì đã có tổng cộng 46 giếng khoan phục vụ công việc tuyển quặng. 

“Nơi khai thác titan hầu hết là vùng đồi cát ven biển, hoàn toàn không có nước trên bề mặt nên các doanh nghiệp phải khoan giếng. Việc cho phép khai thác titan ồ ạt làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất của người dân xung quanh là điều không tránh khỏi” - ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, nhận định.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện phần lớn diện tích quy hoạch và dự trữ titan của tỉnh nằm dọc khu vực ven biển giàu tiềm năng, nên chồng lấn với các dự án khác như du lịch, điện gió, điện mặt trời... Nhiều năm nay, các dự án chồng lấn với quy hoạch titan đều phải dừng lại, không triển khai được, gây lãng phí lớn tiềm năng, cơ hội phát triển của Bình Thuận. Đây là “nút thắt” lớn mà Bình Thuận đang phải nỗ lực tháo gỡ để phát triển kinh tế 

Bình Thuận xin đưa hơn 25.000 ha đất ven biển ra khỏi quy hoạch titan

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực ven biển tỉnh này có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới. Trước khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt khu vực dự trữ quặng titan, khu vực này có nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư, nhưng hiện nay chưa thể chấp thuận. 

Để sử dụng có hiệu quả đất đai phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội địa phương, phát huy hiệu quả các trục đường ven biển cũng như mục tiêu hình thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ đưa hơn 25.000ha đất ven biển ra khỏi quy hoạch titan. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị xem xét 10 khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò, qua rà soát nếu các khu vực này có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, an toàn khu vực mỏ không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn khi đi vào hoạt động; không đảm bảo nguồn nước để cung cấp cho việc khai thác, tuyển quặng titan... cần phải được điều chỉnh, hoán đổi sang khu vực khác nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục