Cù lao Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có dòng sông Đồng Nai hiền hòa chảy qua và có miệt vườn cây trái xanh tươi, khí hậu trong lành. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác cát lậu tung hoành trong các năm qua và nhiều tàu trọng tải lớn di chuyển trên sông đã làm đôi bờ cù lao sạt lở nghiêm trọng, đáy sông bị xoáy sâu đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.
“Cát tặc” hoành hành
Đứng trên núi Bửu Long (TP Biên Hòa) hay núi Châu Thới (thị xã Dĩ An) phóng tầm mắt nhìn xuống cù lao Thạnh Hội sẽ thấy giống hình con rùa nổi lên giữa dòng sông Đồng Nai với phần đồi đá cao là đầu rùa, giữa hai đồi có rừng cây (gần bến đò Tân Hội) dài 300m là cổ rùa nên cù lao này còn được gọi là cù lao Rùa.
Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát dọc bờ cù lao (mạn thuộc tỉnh Bình Dương) và xót xa khi thấy nhiều đoạn bờ sông bị nước ngoạm sâu vào đất liền hàng chục mét; nhiều bờ kè bê tông nứt toác, gãy gập, chực chờ rơi xuống dòng nước xoáy, hàng chục tàu bè, sà lan quay mũi vào bờ nằm bất động.
Bà Hoàng Thị H. (60 tuổi, người dân xã Thạnh Hội) chua chát: “Ban ngày các chủ tàu cho nhân công làm việc khác, đợi đêm xuống mới thả vòi xuống lòng sông và nổ máy hút cát làm ồn ào cả một vùng quê. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua, dù bị chính quyền xua đuổi. Do cát ở đây tốt nhất vùng Đông Nam bộ, có giá cao và lợi nhuận lớn nên nhiều người vẫn tiếp tục khai thác trái phép”.
Nhộn nhịp nhất là ở khu vực ngã 3 sông, nơi tiếp giáp giữa xã Tân Hạnh (thuộc TP. Biên Hòa) với xã Thái Hòa (TX Tân Uyên). Tại đây, nhiều sà lan lớn với tải trọng hàng chục ngàn mét khối án ngữ suốt ngày đêm và cứ khoảng nửa giờ đồng hồ lại di chuyển, rồi quay lại vị trí giữa sông, hút trộm cát giữa “thanh thiên bạch nhật” bằng thiết bị hút hiện đại, phát ra tiếng ồn không đáng kể và được đặt dưới đáy sà lan, khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Theo giới khai thác cát, bằng thiết bị hút này, các chủ tàu có thể hút được hàng trăm khối cát chỉ trong vòng vài chục phút.
Việc khai thác cát trái phép trong thời gian dài đã khiến cù lao Rùa hứng chịu nhiều vụ sạt lở, cuốn trôi nhiều đất đai, tài sản của người dân. Từ năm 2017 đến nay, chỉ riêng xã Thạnh Hội có hơn 20 đoạn bờ kè (dài nhất khoảng hơn 200m) được người dân xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng bị nước cuốn phăng. Bình quân mỗi tháng đoạn sông này vùi lấp 1 bờ kè chắn sóng. Nghiêm trọng hơn, vào tháng 5-2018, sạt lở đã nhấn chìm toàn bộ công trình chợ dân sinh rộng hàng trăm mét vuông thuộc xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa).
Tình trạng trên khiến vùng cù lao này bị thu hẹp tới hơn 10ha (hiện tổng diện tích chỉ còn gần 270ha), riêng phần cổ rùa đã bị xâm lấn mất 2/3, hiện chỉ còn dài khoảng 60m. Nhiều người dân tại xã Tân Hạnh lo lắng nguy cơ cù lao bị xẻ đôi nếu phần cổ rùa không được bảo vệ và khoảng cách đôi bờ nới rộng hơn. Đặc biệt, đáy sông ngày càng sâu hơn và hiện ở mức hơn 40m (gấp đôi so với 10 năm trước).
Chính quyền bất lực
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, tỏ ra khá bức xúc khi cù lao Rùa đang bị xâm lấn mỗi ngày nhưng ngành chức năng thì bất lực. Sự bất lực đến từ việc không quyết liệt, đồng bộ của các đơn vị phối hợp khi đi chống khai thác cát trái phép.
“Đi chống cát tặc mà cán bộ chủ yếu đứng trên bờ nhìn xuống. Cứ như đi cho có, như cưỡi ngựa xem hoa khơi khơi”, một người dân xã Thạnh Hội ngán ngẩm.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng chủ lực là công an kinh tế, môi trường thì không làm tới cùng để truy ra kẻ cầm đầu. Sau rất nhiều lần tịch thu phương tiện hút cát trái phép, cơ quan chức năng ra thông báo tìm chủ sở hữu thì không ai đến nhận. Như vậy chỉ xử lý được phần ngọn, còn phần gốc là các đầu nậu, chủ phương tiện thì các địa phương chưa một lần làm được.
Trong những năm qua, xã Thạnh Hội đã được hỗ trợ kinh phí trang bị cano, đào tạo người lái, lắp đặt 13 camera hiện đại giám sát tại các điểm nóng và có nguy cơ sạt lở nên đã kiểm soát được một phần tình trạng hút cát lậu phía sông thuộc tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn cho tàu đậu giữa lòng sông, đặt vòi hút về mạn sông phía Đồng Nai nên không thể xử lý dứt điểm. Đặc biệt, việc lưu thông trái phép của các tàu, sà lan tải trọng lớn ở nhánh sông Con và hoạt động bến bãi ở đây dường như không được ngành chức năng tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn, khiến người dân đang thấp thỏm lo âu mỗi ngày.