Vào khoảng giữa thế kỷ 19, nhà thơ Pháp Gérard de Nerval viết rằng nhà thờ Đức Bà sẽ vẫn còn đó khi Paris biến mất. Cảm giác đó của nhà thơ Gérard de Nerval có vẻ được ứng nghiệm trong hoàn cảnh hiện nay khi người dân Pháp và người dân nhiều nước khác, trong đó có nhiều tỷ phú, hăng hái góp tiền khắc phục hậu quả ngay sau khi thảm họa ập đến vào rạng sáng ngày 16-4-2019 (giờ Việt Nam) đã khiến không chỉ người dân nước Pháp mà cả thế giới rơi lệ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ hoàn thành việc phục dựng trong vòng 5 năm. Như vậy, ta có đủ căn cứ để tin rằng nhà thờ Đức Bà Paris sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài với thời gian.
Điều gì đã tạo nên hình ảnh sâu đậm của di sản này trong lòng người dân Pháp và nhiều dân tộc khác trên thế giới? Trước hết đó là bề dày lịch sử. Ít có công trình đồ sộ nào mà được khởi sự từ xa xưa, cách đây hơn 8 thế kỷ (chính xác là 856 năm kể từ năm 1163) và kéo dài trong gần 2 thế kỷ (chính xác là 182 năm, kết thúc năm 1345). Cứ tưởng tượng vào thời chưa có máy móc gì trong xây dựng thế mà các tảng đá lớn, những chiếc chuông nặng hàng tấn, vô số tượng đá được nâng lên cao chót vót. Thật chẳng khác người Ai Cập cổ xây các kim tự tháp. Hơn nữa, theo các nhà sử học, tuổi thọ trung bình của người Pháp thời đó chỉ là 40 mà thôi. Một công trình kéo dài như vậy mà không có nguy cơ bị dẹp bỏ cũng là một điều kỳ diệu. Điều may cho nước Pháp là lịch sử không bị gián đoạn dù nhiều triều vua đối kháng nhau. Gần như một nhánh hoàng gia trị vì từ trước khi xây dựng nhà thờ đến mãi về sau. Thứ đến, nơi đây lưu trữ vô vàn di sản lịch sử tôn giáo và nghệ thuật. Quý nhất có lẽ là mão gai (mũ đội đầu của Chúa Jesus) và hộp thánh thể mà vua Pháp mang từ Trung Cận Đông về khi xong đợt thập tự chinh. Những thứ khác như những bức họa, kính màu, tượng thánh, chuông… đều là những tác phẩm nghệ thuật có một không hai. Thánh đường là nơi lưu trữ vô vàn thánh tích và tác phẩm nghệ thuật như vậy. Nhân đây nói đôi chút về thói quen lưu trữ, một thói quen đáng quý của người Pháp. Nước Pháp có rất nhiều lâu đài cổ, di tích của một thời phong kiến phân tán quyền lực. Hiện nay trong các lâu đài ấy ta vẫn thấy những thư viện được bảo quản nguyên vẹn qua thời gian. Tôi có lần tìm được sách vở mà các bậc tiền nhân học tập từ thế kỷ 12 trở đi ở các thư viện này.
Cuối cùng, tôi muốn nêu lên một chân lý được thời gian thử thách kiểm nghiệm, đó là văn chương nghệ thuật góp phần làm cho các địa danh thành bất hủ. Nhiều người trên thế giới chưa từng đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris nhưng họ đã đọc tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, hoặc đã xem phim dựa trên tiểu thuyết ấy. Cuốn sách làm cho họ gần gũi với di sản và ghi nhận hình ảnh di sản vào sâu trong ký ức. Ta liên tưởng đến bài thơ của Hàn Mặc Tử làm cho thôn Vỹ Dạ ở Huế thân thiết với bao người. Quê tôi - huyện Gio Linh, Quảng Trị - nhờ bài ca “Bà mẹ Gio Linh” mà biết bao người biết đến, hay như những địa danh như Bến Lo, Chơ Chờ, Ngọ Hội Vũ... nhờ được đưa vào những trang tiểu thuyết mà nổi tiếng. Chẳng phải ở Sài Gòn - TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long có những nơi đi sâu vào ký ức con người Việt Nam và thế giới nhờ những tác phẩm văn học, nghệ thuật như tác phẩm “Người tình” của nữ nhà văn M. Duras đó sao!