Tôi còn nhớ thủa cắp sách đến trường được xem những cuốn truyện tranh phát hành cho thiếu nhi đọc, người ta ca ngợi những thanh niên dân tộc dũng cảm đã hạ gục nhiều hổ dữ, voi, bò tót để bảo vệ bản làng. Chúng tôi xem chuyện tranh mà phục lăn và nghĩ rằng có ngày mình sẽ săn được hổ dữ để bảo vệ trâu bò, dân bản. Khi vào đại học, tôi theo học ngành Động vật học nên phải đi thực tập vào rừng săn bắn thu mẫu vật. Chúng tôi phải học cách đổ chì đúc đạn, học cách tra ngòi nổ, thuốc súng để làm đạn săn và học cả kỹ thuật săn hổ săn lợn rừng.
Ngày ấy, lũ sinh viên sơ tán chúng tôi phải tự chặt cây làm giảng đường, làm nhà ở để tránh máy bay Mỹ giữa rừng Thái Nguyên. Là sinh viên khoa Sinh nên chúng tôi được ở sâu nhất giữa rừng. Học sinh vật mà ở ngay trong rừng không có trường nào trên thế giới có điều kiện sống và học thực tế như vậy. Tuy nhiên, do chiến tranh nên thiếu thốn đủ bề, vất vả vô cùng. Đổi lại, chúng tôi được rèn luyện vốn sống và học hỏi biết bao điều từ thực tế, từ thiên nhiên.
Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, lũ bạn gái trong lớp vào rừng hái củi về cho bếp ăn tập thể, hớt hơ hớt hải báo cáo: “Bên bờ suối có vết chân hổ”. Cả lớp vội vàng ôm súng chạy ra xem sự thể ra sao. Thầy tôi thận trọng quan sát những dấu chân còn rõ trên đám cát bên suối. Suy nghĩ một lúc, thầy bảo: “Đây có thể là vết chân hổ. Hổ về làng thường là hổ già, chúng hay bắt chó và lợn, trâu bò, đôi khi vồ cả người, cần phải cảnh giác”. Thế là cả lớp tôi họp lại, phân công nhau thay ca canh gác suốt mấy đêm liền. Lũ con gái cài cửa liếp cho thật chặt không dám bén mảng ra bờ suối. Bọn con trai thay nhau tổ ba người ôm K44 ngồi rình góc lán. Thế rồi hổ chẳng thấy đâu, cũng chẳng có con chó, con lợn nào bị bắt. Sau này có người kháo nhau: “Chắc tụi nam sinh viên tổ Động vật có xương sống học cách nhận dạng vết chân thú tạo ra vết chân giả để trêu bọn con gái nhát gan thôi”.
2. Tốt nghiệp, tôi được phân công làm nghiên cứu cổ sinh vật trong Viện Khảo cổ học. Nghề của tôi là phải giám định, nghiên cứu những mẩu xương trong di chỉ khảo cổ, cũng như các hóa thạch thú rừng nằm sâu trong trầm tích cứng như đá. Tôi đã gặp nhiều xương răng hổ và đôi khi cũng được mời tham gia giám định những bộ xương hổ trước khi đem đi nấu cao. Xin kể dăm câu chuyện nực cười về những thứ hổ rởm, xương hổ mà tôi đã được gặp.
Trưa ấy, mấy anh bạn gọi điện khẩn khoản mời đi xem hộ con hổ họ sắp nấu cao. Chẳng là họ đã bắc bếp dựng rạp rồi, cần có người giám định trước khi nấu. Qua một ngõ nhỏ gần hồ Tây, anh bạn đón sẵn ngoài cửa dẫn vào nhà trong. Trời đông mưa phùn lâm thâm, gió lạnh từ hồ thổi vào rét run. Trong sân người ta đã dựng rạp che mưa và bắc một chiếc nồi nhôm quân dụng cỡ lớn. Cả mấy tay chung nhau mua con “hổ” để nấu cao đang chầu chực trong sân. Thấy tôi vào, mọi người vồn vã mời trà nóng rồi rước ra sau nhà để xem mặt chú “hổ” họ đang chuẩn bị cho vào nồi nấu cao. Mở tấm nilon trùm xác hổ ra, lạ thay chẳng thấy hổ đâu mà chỉ là chú mèo rừng lớn hơn con chó. Tôi lắc đầu, thế là cả đám tiu nghỉu nhìn gã lái hổ vất vả ướp đá xác con mèo, thuê xe chở từ trên núi về. Biết gặp phải tay khó lừa, gã buôn hổ rởm vội vã cuốn con “hổ mi ni” vào tấm nilon cáo lui. Nể tình, mấy ông bạn chi cho gã ít tiền để chi phí xe cộ rước cái xác mèo cứng queo lạnh ngắt về.
Mấy tháng sau cánh mua phải “hổ mèo” lại mời tôi tới xem bộ xương hổ khác. Lần này, đích thực là con hổ khá lớn. Kích thước bộ xương cho thấy nó nhỉnh hơn con bê. Người thợ săn đã cẩn thận khi róc thịt để giữ xương. Người ta không tháo khớp, lọc hết gân mà giữ lại chút thịt và gân khô để cho các đốt sống, cả cái đuôi dài và các phần xương vẫn còn dính vào nhau. Thoáng nhìn tôi đã nhận ra ngay đấy là hổ thật. Khi hỏi đến giá cả, tôi chịu không biết khuyên thế nào vì tôi có mua bán xương hổ bao giờ đâu mà biết. Nghe họ mặc cả, ngã giá và thỏa thuận sẽ bán theo cân lạng… tôi cáo lui ra về. Mấy tuần sau, đang trên đường lên Tây Bắc công tác, ông bạn tôi gọi điện thoại: “Bọn tớ đã bắc nồi chuẩn bị cạo xương đem nấu thì hỡi ôi, trong cái ống tủy dọc xương sống người ta đã đổ vào cả thỏi chì dài ngoằng. Gian giảo đến thế là cùng”.
Bữa đó, đang ngồi trong phòng thí nghiệm, Viện trưởng gọi điện bảo Xí nghiệp Dược phẩm 3 vừa chuyển lô xương hổ ở Hải Phòng về nhờ giám định, nói tôi chuẩn bị để kiểm tra lô xương này. Lôi trong các bao tải ra, tôi nhận ra ngay những chiếc sọ gấu còn nguyên vẹn và cả lô xương gấu khá đầy đủ. Có điều kỳ lạ tất cả xương cánh tay của gấu đều bị khoét ở phần đầu khớp những cái lỗ dài, mà dân thu mua xương hổ nấu cao thường lấy đó làm tiêu chí để phân biệt xương hổ với các xương thú khác. Con gấu to gần bằng con hổ, sọ gấu cũng có răng nanh nhe ra như răng hổ, nếu không phải là người nghiên cứu hoặc tay mua xương có kinh nghiệm khó nhận ra được. Thế là lũ buôn gian bán lận đã dở trò khoét thêm cái lỗ mà họ thường gọi là “lỗ nguyệt” hay “lỗ thông thiên” để đánh lừa người thu mua.
3. Năm ấy, tôi được mời tham dự một chương trình điều tra tình hình buôn bán động vật hoang dã nhằm bảo vệ loài hổ. Tôi có dịp lân la khắp các cửa hiệu thuốc Bắc, thuốc Nam, khu du lịch, cửa hiệu thú rừng và cả những bản làng hẻo lánh nằm giáp biên giới Lào, Campuchia… Đi đâu cũng thấy người ta công khai bày bán đủ loại cao, rượu và các sản vật được khoe từ hổ mà ra. Vào Đà Lạt, khi ghé vào một cửa hiệu bán các loại rượu thuốc, chúng tôi được chủ cửa hiệu mời uống miễn phí thứ rượu trong bình ngâm đến hơn chục cái vật mà người đó nói là “pín hổ chính cống”. Là người làm nghiên cứu động vật chúng tôi chẳng lạ gì cấu tạo giải phẫu của dương vật hổ. Tôi vờ làm một tợp chỉ cốt chụp được mấy tấm hình làm bằng chứng cho nghiên cứu của mình.
Đúng là người không có chuyên môn có dịp vào sở thú có ai nom rõ cái pín hổ nó hình thù ra sao. Ngay đến phân biệt hổ đực hổ cái cũng khó. Thế là lão bán thuốc cứ tha hồ ba hoa bịp bợm. Chưa hết, cái gọi là vuốt hổ thực chất được làm từ sừng trâu đẽo gọt khá công phu. Nanh hổ thì 100% đổ bằng nhựa pha màu nom hệt như nanh thật.
Tôi đến cửa một tiệm thuốc Bắc đường Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 TPHCM, thấy người ta bày cả chùm chân “hổ” phía trên có các búi gân dài lê thê. Cái “chân hổ” này họ cố tình để lại một miếng da vàng vàng và dùng mực tàu vẽ những lằn giống như vằn trên lưng cọp. Nhưng bàn chân hổ làm gì có vằn. Hay nhất là bên trong chân hổ lại lòi ra mấy khúc xương khô còn nguyên, mà với tôi sờ tay biết ngay là xương của thú ăn cỏ. Ông chủ quả quyết với tôi ấy là gân hổ thứ thiệt và chân hổ thiệt. Tôi vờ đặt mua để gửi cho bạn ở nước ngoài và xin chụp một kiểu ảnh để làm mẫu đặt hàng. Gã chủ quán kiên quyết không cho chụp. Về nhà, tôi vẽ lại hình cái “chân hổ” đáng xấu hổ này để đưa vào báo cáo khoa học của mình.
-----------------
(*) Chuyên gia văn hóa và ẩm thực, thành viên Hội UNESCO Hà Nội, tác giả sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời”.