Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chia sẻ, việc chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng thì không biết bao nhiêu cho đủ. Bằng lòng tri ân, sự biết ơn, TPHCM đã và sẽ làm hết sức, làm nhiều hơn nữa để góp phần đem đến niềm vui, chăm lo tốt hơn cuộc sống các gia đình chính sách.
Chăm bệnh, thực hiện các chính sách ưu đãi
Ngày 17-7, UBND huyện Nhà Bè (TPHCM) đã tổ chức buổi tặng quà và khám bệnh cho các hộ gia đình chính sách. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết thêm, trong dịp kỷ niệm này, riêng cấp TP đã dành hơn 42 tỷ đồng để tặng quà, chăm lo các gia đình chính sách. Tổng số tiền và mức chăm lo năm nay tăng hơn so với các năm trước.
Sự kiện nêu trên chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà TPHCM và chính quyền các cơ sở thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm chăm lo tất cả các đối tượng là người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ trên địa bàn. Tại huyện Củ Chi, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện, cho biết ngoài trợ cấp hàng tháng, huyện thực hiện đầy đủ các chế độ khác đối với người có công như tặng BHYT cho gần 13.900 người, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 2.300 người, ưu đãi trong giáo dục cho gần 1.000 trường hợp… Ngoài ra, huyện đã tôn tạo toàn bộ các công trình ở nghĩa trang, lát đá hoa cương, nâng cấp, sửa chữa các mộ liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ… với kinh phí 160 tỷ đồng (năm 2015).
Tại quận 9, đại diện Phòng LĐTB-XH cho biết quận có 2.410 hộ gia đình người có công, trong đó gần 1.560 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ở quận Thủ Đức, một địa phương giàu truyền thống cách mạng với 2 xã (cũ) Hiệp Bình và Tam Bình (nay là 4 phường) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, quận có hơn 1.510 hộ gia đình chính sách, trong đó hơn 2.800 người được hưởng trợ cấp hàng tháng…
Theo Sở LĐTB-XH, toàn địa bàn TPHCM hiện có hơn 271.000 đối tượng diện chính sách, trong đó có 5.184 Mẹ Việt Nam anh hùng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TPHCM cùng các sở ngành hữu quan, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực, góp phần ổn định đời sống người có công. Ngoài ra, lãnh đạo, người dân thường xuyên thăm hỏi, động viên các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ nhân dịp lễ, tết hàng năm, nhằm thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa với những người và gia đình đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
1 chi bộ hỗ trợ 1 hộ
Mặc dù chính sách đối với người có công được các địa phương quan tâm thực hiện, song thực tế hiện nay vẫn còn có nhiều gia đình có công nằm trong diện nghèo, cận nghèo. Đơn cử, quận Thủ Đức có 63 hộ, quận 9 có 67 hộ; còn trên địa bàn các huyện Nhà Bè, Củ Chi lần lượt có 99 và 124 hộ gia đình chính sách là hộ nghèo, cận nghèo…
Để giảm nghèo bền vững, các địa phương cho biết thường xuyên quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp. Theo bà Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Nhà Bè, huyện giao các đơn vị, chi bộ chăm lo, ưu tiên giới thiệu công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tặng học bổng… giúp các gia đình vượt lên. Riêng các hộ khó khăn, các đơn vị, chi bộ sẽ hỗ trợ thường xuyên theo phương thức “1 đơn vị/chi bộ hỗ trợ 1 hộ”.
Tương tự, quận 9 thực hiện các giải pháp thoát nghèo bền vững như trao học bổng cho hộ có trẻ em đang đi học, hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới nhà tình nghĩa; hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế…
Tại huyện Củ Chi, ngoài thực hiện các giải pháp như trên, huyện còn phân công tổ chức đoàn thể hỗ trợ 115 hộ khó khăn nâng cao thu nhập, giảm nghèo đa chiều. “Huyện tiếp tục các giải pháp trợ giúp nhằm đảm bảo 100% gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cam kết.
Trong khi đó, Trưởng phòng LĐTB-XH quận Thủ Đức Mai Thị Xuân Hồng cho biết, quận này còn hỗ trợ, tư vấn giới thiệu cho nhiều trường hợp thuộc gia đình chính sách đi xuất khẩu lao động. “Từ năm 2016 đến nay, quận đã sửa chữa 25 căn nhà ở diện chính sách có công; cấp đất và vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền, vận động đơn vị thi công hỗ trợ thêm vật tư, công thợ để xây mới và trao tặng 3 căn nhà cho diện chính sách có công không có nhà ở trong nhiều năm liền”, bà Hồng thông tin.
Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị UBND TP nâng mức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, bởi số tiền theo quy định hiện nay (60 triệu đồng/căn) là quá thấp, rất khó xây nhà; Bộ LĐTB-XH bổ sung chính sách ưu đãi về nhà, đất đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến được khen thưởng Huân chương kháng chiến từ hạng hai trở xuống (hiện theo quy định chỉ giải quyết cho những người có Huân chương kháng chiến và Huân chương chiến thắng hạng nhất).
Cuối năm 2017 giải quyết xong hồ sơ đề nghị công nhận chính sách
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, TP thường xuyên tổ chức việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết cơ bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; tiếp tục rà soát, hỗ trợ các trường hợp gia đình người có công khó khăn về nhà ở; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin…