Mất rừng sợ làng trôi
Theo phản ánh của người dân, rừng bần ngập mặn ở 2 thôn Quảng Xá, Hòa Bình (xã Tân Ninh) từ xưa đến nay bảo vệ làng rất tốt khỏi các trận lũ lớn. Nếu không có khu rừng này nước trên sông Long Đại dội về Kiến Giang sẽ xói lỡ đê bao, cuốn trôi nhà cửa, tín mạng người dân. Tuy nhiên, từ hơn một tháng qua, xuất hiện tin đồn đào hồ nuôi thủy sản sẽ được Formosa đền bù, từ đó 12 hộ của hai thôn này bất chấp mọi phản đối của dân làng đã thuê máy xúc đào xới rừng ngập mặn xung yếu khiến nhiều người dân bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Dược cho biết: “Nhà tôi gần đê quốc gia của sông Kiến Giang, bần trước mặt nhà có từ lâu, tui 80 tuổi vẫn còn trồng bần chắn lũ, mà họ phá không thương tiếc, ra dặn đừng phá họ nói chết thì trồng lại, lo chi”. Trong khi đó Bà Nguyễn Thị Dọc bức xúc: “Công lao hằng trăm năm mới có rừng bần ngập mặn xanh tốt bảo vệ làng, mà họ bất chấp tất cả. Mất rừng bần là làng trôi khi mưa lũ thôi”. Bà Nguyễn Thị Mãn đánh giá: “Mấy lần phản ánh lên lãnh đạo xã thì được trả lời họ lỡ làm rồi, cấm sao được. Trước đây chỉ chặt một cành về làm củi là đã bị phạt. Nay tan hoang thế mà không có ai chịu trách nhiệm. Phá bần kiểu này không ai chấp nhận cả”.
Có mặt tại rừng ngập mặn xã Tận Ninh vùng giáp ranh 2 thôn Hòa Bình, Quảng Xá bên sông Kiến Giang chúng tôi chứng kiến hàng loạt hồ thủy sản đào xới bát nháo. Nhiều hộ dân đất cấp chỉ 1000m² đã đào hơn 5000m² thậm chí có hộ chỉ một hồ nhỏ nhưng lại thuê máy đào đến mấy héc ta. Nhiều gốc bần đang tươi tốt bị bức tử chỏng chơ, nhiều cây bần bị cào hết rễ trên mặt nước đang héo rũ, chết dần.
Nhận trách nhiệm cho xong?
Theo ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, qua kiểm kê chỉ có 2 cây bần bị chặt, tuy nhiên phản ánh của người dân cũng như thực địa tại vùng rừng ngập mặn bị tan hoang thì con số trên hoàn toàn không chính xác. Hàng loạt cây bần tươi bị húc đổ, trong khi đó lượng bần cổ thụ chết rất nhiều. Ông Thọ còn cho biết: “Việc đào hồ trong rừng ngập mặn là 12 hộ với hơn 34ha. Vào năm 1995 họ được huyện cấp giấy nuôi trồng thủy sản với thời hạn 20 năm, đã hết hạn từ năm 2014 và 2015. Theo nguyên tắc, các hộ dân hết hạn phải viết đơn xin gia hạn nhưng họ đã tự ý đào ao hồ trong bần là sai hoàn toàn”.
Ông Thọ cho biết hiện xã Tân Ninh đã đình chỉ các hoạt động đào hồ rừng ngập mặn và yêu cầu 12 hộ này muốn nuôi trồng thủy sản thì phải viết đơn gia hạn, ngoài ra phải trồng lại bần ở trong hồ nhằm trả lại cảnh quan. Ông Dương Quang Huỳnh, một trong 12 hộ cho biết: “Nhà nước dặn thế nào thì phải thực hiện như vậy. Tui có giấy từ năm 1995, đến nay hết hạn rồi, vì làm hồ thua lỗ tui đi làm ăn xa, mới trở lại nuôi cá 3 năm nay, còn nhiều hộ họ nhận đất xong bỏ hoang bao nhiêu năm, chừ nghe đồn đền bù ảnh hưởng Formosa mới ra cơ sự này”.
Với thông tin có hộ cấp 1000m² đã đào lên 5000m², ông Thọ thừa nhận có việc đó và hiện đang buộc trả lại hiện trạng cũng như xử lý nghiêm. Ông Thọ nói: “Về trách nhiệm tôi nhận ra mình đã sai khi nắm bắt tình hình muộn, xử lý chưa rốt ráo khiến người dân đào rừng ngập mặn một tháng làm dư luận nhân dân bức xúc”.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay: “Qua vụ việc nói trên, cho thấy nhận thức của cán bộ, lãnh đạo xã Tân Ninh rất mơ hồ về rừng phòng hộ. Để xảy ra tình trạng nói trên, nguyên nhân đầu tiên là do người dân thiếu hiểu biết, còn chính quyền địa phương nơi đây có thiếu sót và buông lỏng trong quản lý. Quan điểm của huyện là vừa phát triển nuôi trồng thủy sản, vừa giữ rừng bần. Sắp tới huyện sẽ không cấp tiếp đất mặt nước cho các hộ làm sai để bổ sung vào quy hoạch rừng phòng hộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đất đai, nhà cửa mỗi mùa mưa bão”.