Tân giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM có sáng kiến gì để cải tiến bệnh viện?

Ngày 29-12, Sở Y tế TPHCM đã trao quyết định bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM. Đây là cơ sở y tế công lập đầu tiên của thành phố thực hiện thành công kỳ thi tuyển. Bác sĩ Lê Anh Tuấn đã chính thức trúng tuyển và trở thành tân giám đốc cơ sở y tế này.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt cho bác sĩ Lê Anh Tuấn
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt cho bác sĩ Lê Anh Tuấn

Trao đổi với phóng viên báo SGGP, tân Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, sẽ sớm đưa bệnh viện ổn định, trở thành trung tâm chuyên sâu về mắt của khu vực.

- PV: Thưa ông! Ông thấy kỳ thi vừa qua được Sở Y tế TPHCM tổ chức như thế nào?

Bác sĩ LÊ ANH TUẤN: Về công tác chuẩn bị, Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TPHCM và Ban lãnh đạo Bệnh viện Mắt TPHCM đã chủ động cung cấp tất cả tài liệu mà các ứng viên cần cho cả hai vòng thi, kể cả các giấy tờ thủ tục liên quan đến cuộc thi cũng được hỗ trợ tối đa. Do đó, có thể nói các ứng viên đều được tạo điều kiện tối ưu để sẵn sàng cho cuộc thi.

Cả vòng thi lý thuyết và vòng thi trình đề án – trả lời chất vấn đều được Sở Y tế TPHCM triển khai rất công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tuân thủ nghiêm các quy chế, quy định và được sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Các câu hỏi được đưa ra trong phần thi lý thuyết đều hết sức thực tiễn, đưa ra được những thách thức lớn mà hiện nay đa số các bệnh viện trên toàn quốc đang phải đối mặt.

Để giải quyết được các vấn đề hóc búa này thì cần phải có những thay đổi về mặt chính sách và có sự điều chỉnh để hoàn thiện của các quy định pháp luật, các hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, về quyền tự chủ, về xã hội hóa, về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế.

Ở cấp độ bệnh viện, để tránh sai sót, lãnh đạo bệnh viện phải có kỹ năng nắm bắt, cập nhật và hiểu đúng các quy định của pháp luật chuyên ngành và liên quan để áp dụng đúng vào thực tiễn công việc quản lý, vận hành bệnh viện, nhất là trong công tác quản lý tài chính, đấu thầu, mua sắm và xã hội hóa.

Để đạt kết quả cao, các ứng viên cần phải có nền tảng kiến thức tốt về quản lý y tế, có kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý bệnh viện và có khả năng thuyết trình, bảo vệ ý tưởng, kế hoạch, đề án phát triển bệnh viện của bản thân.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo là một hình thức hay, nên tiếp tục duy trì.

- Là một bác sĩ trải qua nhiều năm công tác tại cơ sở nhưng chưa từng đảm nhiệm vị trí liên quan đến chuyên khoa mắt, ông có thể tự tin chỉ đạo nội dung về chuyên môn?

Thật ra, trước khi về Bệnh viện Ung Bướu, tôi có 14 năm công tác ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 5 năm làm việc ở Sở Y tế TPHCM nên có thể nói đã có kinh nghiệm trong việc bắt nhịp và hòa nhịp với một tập thể mới.

Về quản lý, tôi đã có 5 năm tham gia công tác quản lý nhà nước trong ngành y tế với cương vị Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM và gần 6 năm quản lý bệnh viện chuyên khoa với cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu.

Về chuyên môn, tôi được đào tạo Thạc sĩ về Y tế công cộng tại Hoa Kỳ và Chuyên khoa 2 về Quản lý y tế. Với nền tảng kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành về quản lý y tế, tôi tin sẽ cùng tập thể Đảng Ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Mắt sớm ban hành và triển khai hiệu quả một kế hoạch phát triển cụ thể cho bệnh viện.

Để chọn giám đốc một bệnh viện chuyên khoa, theo tôi, lý tưởng nhất là chọn được một bác sĩ vừa giỏi về chuyên môn, vừa giỏi về quản lý và tốt nhất là được phát triển từ nguồn tại chỗ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, rất khó chọn được một giám đốc như vậy. Quản lý bệnh viện không đơn thuần chỉ là quản lý về chuyên môn mà phải quản lý toàn diện, trong đó có quản lý các nguồn lực bao gồm quản lý tài chính, nhân lực, vật lực và cơ sở hạ tầng y tế.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế ở các bệnh viện của Việt Nam là cán bộ y tế có chuyên môn giỏi nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản lý y tế... Sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng quản lý y tế đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của ngành y tế và đây có thể là một trong những nguyên nhân đã góp phần dẫn đến các vi phạm, sai phạm của một số đơn vị trong ngành y tế thời gian vừa qua.

Do đó, để chọn giám đốc bệnh viện trong bối cảnh hiện nay nên ưu tiên chọn nhân sự đã có kinh nghiệm quản lý bệnh viện, có đào tạo bài bản về quản lý y tế và luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới về quản trị bệnh viện hiện đại.

Trước đây, khi làm công tác quản lý ở Bệnh viện Ung Bướu, tôi có phần thuận lợi hơn vì đã có chuyên khoa ung thư. Sang Bệnh viện Mắt, để bù đắp các lỗ hổng kiến thức về chuyên ngành nhãn khoa, tôi phải nỗ lực hơn nữa trong việc tự học hỏi, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội chẩn chuyên khoa, hội thảo, hội nghị chuyên ngành để nhanh chóng hiểu được các nhu cầu phát triển của Bệnh viện Mắt và của ngành.

Bệnh viện Mắt TPHCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I, tự chủ chi thường xuyên

Bệnh viện Mắt TPHCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I, tự chủ chi thường xuyên

- Bệnh viện Mắt từng gặp rất nhiều những khó khăn, thậm chí tiêu cực nhiều trong thời gian qua. Với cương vị là tân giám đốc bệnh viện, ông có sáng kiến gì để cải thiện thực trạng này?

Qua các vi phạm, sai phạm của một số cán bộ chủ chốt của Bệnh viện Mắt trong thời gian vừa qua, tôi cảm thấy vấn đề lớn nhất của bệnh viện là năng lực của đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ tham mưu trong việc hiểu biết, nắm bắt, cập nhật các quy định pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan quản lý tài chính, đấu thầu, mua sắm, liên doanh – liên kết, xã hội hóa còn hạn chế.

Điều này dẫn đến việc áp dụng các kiến thức này vào trong công tác quản lý bệnh viện còn những sơ suất. Hiện tượng có nhiều vi phạm, sai phạm xảy ra với ngành y tế trong thời gian vừa qua có thể minh chứng đây không phải là vấn đề của riêng Bệnh viện Mắt.

Nguyên nhân có thể là do:

Thứ nhất: đội ngũ lãnh đạo, quản lý tập trung nhiều về chuyên môn, chưa dành nhiều thời gian học hỏi, trau dồi kiến thức và nghiên cứu về các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến các hoạt động của bệnh viện, các qui chế của ngành mà người làm công tác quản lý cần phải nắm vững.

Thứ hai: nội dung các quy trình, quy định được bệnh viện ban hành, nhất là các quy trình liên quan đến quản lý tài chính, mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, liên doanh – liên kết chưa hoàn thiện, chưa cập nhật hoặc chưa sát với các quy định pháp luật hiện hành.

Thứ ba: quy chế hoạt động của các hội đồng tư vấn có thể chưa được chặt chẽ theo hướng phân công, phân nhiệm, có nghĩa vụ và trách nhiệm rõ ràng của từng thành viên, theo đúng quy định của pháp luật.

Để cải thiện thực trạng này, đầu tiên, bản thân người đứng đầu và tập thể Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng phải luôn công khai, minh bạch vì lợi ích của bệnh viện, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong các hoạt động liên quan công tác nhân sự, đấu thầu, mua sắm, cung ứng, liên doanh – liên kết, xã hội hóa.

Trong đó, vai trò của người đứng đầu có vai trò quan trọng nhất, phải đóng vai trò nêu gương, là hạt nhân đoàn kết, tập hợp, lãnh đạo tập thể cán bộ chủ chốt, nhân viên. Kế đến, tập thể lãnh đạo bệnh viện phải luôn phát huy quy chế tập trung dân chủ, và nâng cao vai trò giám sát và phản biện của Đảng, các đoàn thể, người lao động.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần quan tâm triển khai các giải pháp đảm bảo mọi hoạt động của bệnh viện phải tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định của ngành: Kiện toàn thành viên và hoàn tất rà soát, cập nhật và bổ sung tất cả quy chế làm việc của các hội đồng trong bệnh viện theo hướng có phân công, phân nhiệm, có nghĩa vụ và trách nhiệm rõ ràng của từng thành viên.

Rà soát, cập nhật tất cả quy định, quy trình đang được áp dụng trong bệnh viện tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và tiến hành bổ sung xây dựng thêm các quy trình, quy định mới mà thực tiễn đòi hỏi phát sinh.

Tạo điều kiện cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý dành thời gian học hỏi, trau dồi kiến thức và nghiên cứu về các quy định pháp luật, nhất là các quy định về quản lý tài chính, quản lý đấu thầu, quản lý mua sắm, cũng như về Luật Khám chữa bệnh, các nghị định và thông tư liên quan trực tiếp đến các hoạt động của bệnh viện, các quy chế của ngành mà người làm công tác quản lý cần phải nắm vững.

Tổ chức hoạt động cập nhật chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những quy định, những văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến ngành y tế. Hoạt động này sẽ kết hợp sinh hoạt ngắn định kỳ mỗi tuần với sinh hoạt chuyên đề khi có những quy định, văn bản pháp luật mới.

Thường xuyên tìm hiểu, đối chiếu và rút kinh nghiệm từ các sai sót, vi phạm, sai phạm từ các đơn vị khác và ngay cả ở đơn vị mình (nếu có).

- Ông có đề xuất gì với ngành y tế để công tác vận hành bệnh viện được trơn tru?

Tôi đề xuất Sở Y tế TPHCM nghiên cứu và có đề án trình UBND TPHCM và Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Mắt được thí điểm mô hình quản lý bệnh viện hiện đại theo hướng hình thành một cơ cấu tổ chức quản trị bệnh viện hai cấp: Cấp trên là Hội đồng Quản trị Bệnh viện với chủ tịch và các thành viên đến từ Sở Y tế, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tư pháp, đại diện cho người bệnh, cũng như giám đốc, các phó giám đốc bệnh viện; Cấp dưới là Hội đồng Quản lý bệnh viện đứng đầu là giám đốc, kế đến là các phó giám đốc và trưởng các phòng chức năng.

Tôi đề xuất như trên vì hệ thống y tế Việt Nam chưa có một mô hình quản lý bệnh viện phù hợp vừa cho phép bệnh viện nâng cao năng lực tự chủ nhưng song song đó có bộ máy giám sát, quản trị để hỗ trợ bệnh viện. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro ngày càng tăng của các giám đốc bệnh viện.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện và việc này đã mang lại nhiều thành quả trong việc tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân và thay đổi phong cách phục vụ của nhân viên y tế theo chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, đi đôi với việc giao quyền tự chủ, hệ thống pháp luật quy định về tự chủ, liên doanh – liên kết, xã hội hóa, các quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế vẫn còn chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, hoặc chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Do đó, gần đây ta có thể thấy hiện tượng gia tăng các vụ việc vi phạm, sai phạm về quản lý tài chính, vi phạm về đấu thầu trên toàn quốc, trong đó có sự việc của Bệnh viện Mắt. Nếu bỏ qua yếu tố cố ý làm trái hoặc lợi ích nhóm, hiện tượng này cũng đã cho thấy mô hình quản lý giao quyền quyết định quá nhiều cho giám đốc bệnh viện đã không còn phù hợp khi đẩy mạnh quyền tự chủ cho các đơn vị.

Ngay tại các nước có hệ thống y tế phát triển, các giám đốc bệnh viện cũng đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến pháp luật và những khó khăn hơn bao giờ hết trong phát triển bệnh viện. Bệnh viện luôn được xếp vào loại tổ chức có cấu trúc phức tạp cả về cấu trúc lãnh đạo, nhất là khi các bệnh viện công lập chuyển sang tự chủ.

Một trong những thay đổi lớn để thích ứng với tình hình mới chính là thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện, hầu hết các bệnh viện công lập ở châu Âu đều được vận hành bởi ban quản trị/ ban giám sát và ban quản lý bệnh viện thay vì chỉ có giám đốc và các phó giám đốc như ở nước ta hiện nay.

Sáng 29-12, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức công bố quyết định điều động và bổ nhiệm chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho bác sĩ Lê Anh Tuấn với thời hạn 5 năm, kể từ 1-1-2023.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, sinh năm 1973, là bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành Quản lý y tế, cao cấp lý luận chính trị. Ông từng trải qua quá trình công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, kỳ thi tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt đã thành công và đã tuyển chọn được người đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM.

Lãnh đạo ngành y tế TPHCM mong muốn, tân Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, với vai trò của giám đốc phải luôn tư duy đổi mới sáng tạo hoàn thiện quy chế, quy định nhằm tạo ra cơ chế làm việc, thu nhập ổn định cho nhân viên, cũng như mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục