Phản ứng trái chiều
Theo ý kiến của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô, nhiều điểm trong NĐ 116 sẽ khiến chi phí nhập khẩu ô tô tăng khá lớn.
Cụ thể, liên quan đến quy định DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài là điều kiện hết sức bất lợi, bởi giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia, vì một số quốc gia áp dụng chính sách để các nhà sản xuất tự chứng nhận, do một tổ chức có thẩm quyền cấp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn, sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm, nhằm kiểm soát chặt về chất lượng, do vậy quy định yêu cầu phải có các giấy tờ nêu trên chỉ tăng thêm thủ tục không cần thiết, cản trở việc kinh doanh của DN.
Mua ô tô nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Đối với quy định ô tô nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô; mỗi lô xe phải lấy mẫu đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường… sẽ làm kéo dài thời gian thông quan và gây lãng phí chi phí của xã hội.
“Việc thử nghiệm 1 mẫu xe có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD cho thử khí thải Euro 4. Ngoài ra, trong thời gian này các xe khác cùng lô sẽ phải buộc lưu kho ở cảng tốn kém thêm chi phí không cần thiết; chưa kể, sức chứa của các cảng biển, liệu có đáp ứng khi thực hiện quy định này”, đại diện Công ty TNHH TM XNK Hoàng Minh, quận Bình Tân, nêu ý kiến.
Trái với phản ứng của các DN chuyên nhập khẩu ô tô, một số công ty sản xuất, lắp ráp trong nước lại tỏ ra lạc quan và ủng hộ nhiều điểm trong NĐ 116. Đại diện Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) và Thaco cho rằng, mục đích của NĐ 116 là tạo sự công bằng giữa các DN nên hợp lý.
Vì nếu không quy định như thế sẽ khó kiểm soát được chất lượng của các lô xe nhập khẩu. Về thời gian thực hiện, NĐ có hiệu lực từ ngày 17-10, nhưng đối với số ô tô đã nhập khẩu sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31-12-2017; do đó, các DN có đủ thời gian để chủ động lên kế hoạch và có phương án xử lý các tồn đọng trong năm 2017.
Lại bảo hộ xe lắp ráp
Cách đây vài năm, sự ra đời của Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương, quy định nhà nhập khẩu “phải chứng minh có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó” cũng đã thu hẹp cánh cửa nhập khẩu xe nguyên chiếc. Sau hơn 6 năm áp dụng Thông tư 20, hàng loạt nhà kinh doanh xe nhập khẩu quy mô nhỏ phải lần lượt đóng cửa.
Thị trường ô tô chỉ còn vài chục “ông lớn” với 2 hình thức kinh doanh, gồm: Các liên doanh lắp ráp ô tô như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Ford Việt Nam, Thaco kiêm nhà nhập khẩu chính thức của các hãng xe này. Số còn lại là nhà nhập khẩu của các hãng xe Subaru, Volkswagen, BMW, Audi, Porsche.
Nay, sau thời gian ngắn NĐ 116 có hiệu lực, giới kinh doanh ô tô dự báo nhiều DN nhập khẩu còn lại sẽ tiếp tục “biến mất” trên sân chơi mặt hàng đặc biệt này.
Những quy định trong NĐ này tiếp tục tạo thế độc quyền cho một số DN trên thị trường ô tô. Bởi với quy định này, khi mua một xe nhập khẩu, người tiêu dùng trong nước không có nhiều sự lựa chọn.
Họ phải trả mức giá bán do nhà phân phối duy nhất của thương hiệu ô tô đó đặt ra, thay vì giá cạnh tranh với nhiều nhà nhập khẩu như trước. Còn lợi nhuận khủng từ thị trường ô tô sẽ chảy vào vài chục đơn vị thay vì vài trăm đầu mối như trước đây.
Ghi nhận thị trường cho thấy, ngay sau khi NĐ 116 được ban hành đã tác động gần như lập tức tới thị trường xe trong nước.
Nhiều đại lý Toyota đã phải đàm phán lại với khách hàng đã đặt các mẫu xe mới như Fortuner máy dầu số tự động, do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan.
Nhiều hãng xe khác như Ford, Chevrolet, Mitsubishi có nguồn xe nhập khẩu từ Thái Lan cũng bị ảnh hưởng vì phải bổ sung thêm nhiều giấy tờ mới.
Đây được xem là “thủ thuật” bảo hộ xe lắp ráp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh về giá của xe nhập khẩu có mức thuế 0% từ khối ASEAN. Xe lắp ráp trong nước sẽ chủ động được thời gian ra mắt sản phẩm, kế hoạch sản xuất và đẩy bớt hàng tồn; bên cạnh đó, cũng chưa vội giảm giá quá sâu vì thị trường đang giảm bớt đối thủ cạnh tranh, ít nhất kéo dài đến giữa năm 2018.
Trong khi đó, xe nhập khẩu do những vướng mắc mới phát sinh sẽ không thể chủ động được kế hoạch và cũng như chưa thể xác định được thời điểm nào có thể thông quan.
Điều đáng chú ý, các hãng ô tô luôn phải đảm bảo lợi nhuận, vì vậy mọi chi phí phát sinh từ NĐ 116 sẽ phải tính vào giá xe và đương nhiên khách hàng là người chịu hết những chi phí đó! Vì thế, dù thông tin thuế ô tô nhập khẩu về mức 0% từ đầu năm 2018 nhưng với những khúc mắc trên, giấc mơ về chiếc ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt chắc chắn còn phải chờ thêm nhiều năm nữa.