Hôm qua, quận Bình Tân khánh thành 300m đường Tên Lửa, vốn là điểm kẹt xe, ngập úng nhiều năm. Việc hoàn thành dự án sớm để kịp thông xe trước ngày khai giảng, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh, cũng là nỗ lực đáng ghi nhận.
Trên bình diện chung, khi sự phân cấp, ủy quyền của UBND TPHCM được thực hiện triệt để cho các quận huyện, công tác giải ngân đầu tư công trên các công trình xây dựng hạ tầng đô thị đã đạt kết quả rất khả quan mà quận Bình Tân là điển hình.
Tuy vậy, ở cấp độ thành phố, tỷ lệ như cam kết còn thấp. Bốn ban quản lý (BQL) nắm vốn lớn (gồm: BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM, BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, BQL Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, BQL Đường sắt đô thị TPHCM), đến nay mới giải ngân được khoảng 10%, trong khi các địa phương giải ngân khoảng 34%. Hiện trạng này cho thấy, chừng nào nhiệm vụ giải ngân đầu tư công chưa đạt như cam kết, động lực tăng trưởng của kinh tế TPHCM còn nhiều cam go.
Trong khi đó, trụ cột tiêu dùng nội địa đã có các “biến số” tích cực. Dịp lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, lượng khách quốc tế đến TPHCM tăng 3,2%, khách nội địa tăng 1,2%, giúp ngành du lịch TPHCM tăng trưởng 1,7%, đạt gần 2.940 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 105.800 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng hơn 15% so với cùng kỳ và đạt 71% dự toán năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Đà phục hồi khá tốt, có tính ổn định ấy là cơ sở để Ngân hàng Thế giới trong báo cáo mới nhất đã điều chỉnh tăng trưởng Việt Nam lên 6,1%, riêng TPHCM cũng nằm trong tầm dự báo giữa kịch bản cơ sở và kịch bản tăng trưởng tốt 7-7,5%.
Điều quan trọng nhất lúc này là TPHCM tận dụng tốt nhất những yếu tố thời cơ đang có. Trong đó, 2 “đòn bẩy” có tính trọng lực lớn là ngay sau chuyến thăm, làm việc và được sự đồng ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, TPHCM nhanh chóng tập trung rà soát và tổng hợp lại những vụ việc tồn đọng để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Cũng như dịp Quốc khánh vừa qua, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Bài viết xác lập về mặt đường lối phát triển một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đó là “phương thức sản xuất số”. Phương thức sản xuất này là một gợi mở quan trọng, có thể là “đòn bẩy” thứ hai cho TPHCM, địa phương có nhiều lợi thế, cả về công nghệ lẫn thị trường. Cùng với đó, trong hoạt động ngoại giao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, những cam kết về mặt hợp tác kinh tế cho thấy tổng quan nhiều “cánh cửa” đang rộng mở.
Kết hợp với 2 “đòn bẩy” là nội lực của TPHCM. Lãnh đạo TPHCM đã và đang tăng tốc nỗ lực có các nhóm giải pháp thúc đẩy thực thi, cụ thể là trực chỉ vào công tác phân công nhóm, trách nhiệm từng vị trí, kiểm tra, báo cáo theo lộ trình và xử lý, ứng phó từng điểm nghẽn. Xác lập kỷ cương đi cùng trách nhiệm công vụ, qua đó đánh giá năng lực cán bộ, là thước đo tín nhiệm khả tín nhất nên cũng dễ tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Và những công trình, chương trình hạ tầng đô thị sớm hoàn công, đưa vào khai thác, vận hành trong thời gian qua là kết quả, đồng thời là cơ sở để các đề án mới đang chờ trình lên Quốc hội như các đề án Đường sắt đô thị, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM và dự án Vành đai 4 TPHCM hoàn tất cú nước rút về đích cuối năm.