Sau 29 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, công tác dân số còn gặp nhiều thách thức, lợi thế “dân số vàng” chưa được phát huy hiệu quả.
Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007 với số lượng và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao. Dự báo, thời kỳ này sẽ kéo dài đến năm 2038. Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Điều này sẽ là thách thức lớn cho nước ta khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nguy cơ “già trước khi giàu” sẽ xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Đó là chưa kể 70% người già hiện đang sống ở nông thôn, không có lương hưu, phụ thuộc vào con cái.
Mặc dù tuổi thọ trung bình của nước ta tiếp tục tăng nhưng chất lượng sống của người cao tuổi chưa cao. Họ phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật trong khi hệ thống cơ sở chăm sóc chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội như: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh cũng đồng thời rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Cùng với đó, tình trạng này cũng dẫn đến tình trạng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.
Chỉ còn khoảng 15 năm nữa xã hội Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và để chuẩn bị chu đáo cho một xã hội già, thiết nghĩ phải bắt đầu ngay từ bây giờ, không sẽ là quá muộn. Cần có ý thức “giành chỗ” cho người cao tuổi với việc thiết kế chính sách một cách thiết thực theo hướng vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho họ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động tận dụng thời cơ “dân số vàng” bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chú trọng nâng cao chất lượng “vàng” và nhận thức của người trẻ nhằm tạo tiền đề tiến đến “già hóa chủ động”. Trong đó, cần có chính sách định hướng phát triển nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật với chất lượng cao. Đồng thời, quy hoạch phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhằm tạo việc làm cho người lao động.
Hôm nay 26-12, Ngày Dân số Việt Nam, đưa ra những vấn đề nêu trên để chúng ta cùng nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ “dân số vàng”!