Tận dụng rơm rạ để phát triển kinh tế tuần hoàn

Sáng 7-6, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến gạo lúa gạo. Đến dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

01.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam là một trong những trung tâm nguyên liệu lúa gạo nổi tiếng trên thế giới. Hàng năm, Việt Nam sản xuất trên 43 triệu tấn lúa, riêng vùng ĐBSCL có khoảng 24 triệu tấn/năm. Đây là vùng nguyên liệu dồi dào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào thị trường gạo quốc tế. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của IRRI. Đến nay phần lớn các giống lúa của Việt Nam được phát triển từ các kết quả nghiên cứu của IRRI, trong đó có khoảng 25 bộ giống lúa mang thương hiệu IRRI đã được chuyển giao. Đồng thời, mong muốn IRRI hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, gắn với thương hiệu gạo giảm phát thải; chia sẻ những kết quả nghiên cứu về các nguồn gen để phát triển các giống lúa có khả năng thích ứng với hạn mặn, giảm phát thải và các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp.

Hậu Giang là tỉnh đi tiên phong trong khu vực ĐBSCL dùng máy cuộn rơm để tái chế biến sử dụng - loại bỏ tình trạng đốt rơm trên đồng sau khi thu hoạch lúa.jpg
Hậu Giang là tỉnh đi tiên phong trong thu gom rơm rạ trên đồng sau khi thu hoạch lúa

Bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc IRRI, cam kết tăng cường quan hệ hợp tác giữa IRRI và Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ý nghĩa của đề án đã vượt ra khỏi không gian của một quốc gia và vươn ra toàn thế giới. IRRI đang xây dựng nhiều bộ công cụ số và sẵn sàng chia sẻ với Bộ NN-PTNT.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại lâu nay của ĐBSCL: các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải; thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp; thiếu những chính sách giảm phát thải mang tính đột phá…

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mục tiêu đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là đến năm 2030 sẽ thu gom rơm ra khỏi đồng 100%, xử lý chế biến theo nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn. Trước mắt, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về công nghệ hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn cho lúa gạo (cụ thể, theo vùng, chuyên biệt, kinh tế - kỹ thuật - môi trường). Các tỉnh trong vùng cần xây dựng kế hoạch đề xuất - yêu cầu, tăng cường năng lực, phát triển mô hình sản xuất về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục