Theo tờ Diplomat, điểm nhấn trong chuyến công du của ông Ram Nath Kovind là Djibouti. Nước này đang nổi lên là một quốc gia có tầm lợi thế chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương sau khi trở thành địa điểm được Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Tuy tuyên bố căn cứ chỉ là một cơ sở hậu cần nhưng theo giới phân tích, căn cứ này có vai trò giúp Bắc Kinh sớm đạt mục đích trở thành cường quốc hàng hải toàn cầu. Hoạt động này cũng cho thấy Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương, nơi mà New Delhi cũng xem là vùng ảnh hưởng của mình. Lợi thế của Ấn Độ là nhờ vào chính sách ngoại giao linh hoạt đối với các quốc gia châu Phi, Ấn Độ luôn được chào đón ở khu vực này.
Riêng với Ethiopia, quốc gia lớn thứ 2 tại châu Phi, quan hệ giữa hai bên vốn là mối quan hệ truyền thống hợp tác lâu đời nên càng tạo thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh hợp tác song phương. Ông Kovind cũng là Tổng thống Ấn Độ đầu tiên đến Ethiopia sau 45 năm. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên trong năm 2016 đạt gần 1 tỷ USD. Ấn Độ đang nằm trong tốp 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Ethiopia, với tổng dự án đầu tư trị giá 4 tỷ USD.
Châu Phi được đánh giá sẽ trở thành thị trường xuất khẩu mới và nhiều tiềm năng của Ấn Độ. Điều này có ý nghĩa rất lớn do thị trường xuất khẩu truyền thống của Ấn Độ ở châu Âu và Bắc Mỹ đang sụt giảm. Bên cạnh đó, châu Phi có thể là nguồn cung ứng nguyên liệu và nhiên liệu mà nền kinh tế Nam Á này rất cần.
Với dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với nguồn tài nguyên màu mỡ, lục địa đen đang trở thành động cơ tăng trưởng lớn kế tiếp của thế giới, sau châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU đang tạo ra cuộc đua nhằm giành lấy tầm ảnh hưởng ở khu vực này.
Để tạo chỗ đứng vững chắc ở châu Phi, Ấn Độ đã có những bước đi quyết liệt hơn thông qua hàng loạt các thỏa thuận ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi vào năm 2016 đến Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Kenya. Đây là những nước có đường bờ biển dài và nối với Ấn Độ thông qua Ấn Độ Dương. Kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng và an ninh hàng hải là những lĩnh vực ưu tiên trong các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo Ấn Độ và những người đứng đầu châu Phi.
Ngoài việc thể hiện mục đích là mở rộng đối tác và đa dạng hóa thị trường nhằm tạo động lực cho sự phát triển, chuyến đi của Tổng thống Ấn Độ diễn ra trong thời điểm này còn phát đi thông điệp rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và châu Phi là quan hệ hợp tác thực chất.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao tăng cường của Ấn Độ cũng nhằm đảm bảo các lợi ích địa chiến lược kinh tế và năng lượng của Ấn Độ tại khu vực, gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc và thực hiện kế hoạch trở thành một cường quốc toàn cầu. Tăng cường hợp tác nhiều mặt với châu Phi còn giúp Ấn Độ củng cố quan hệ truyền thống với châu lục hiện có 1,3 triệu người gốc Ấn Độ sinh sống.