(SGGP).- Chiều 11-8, tại Hà Nội, ông Pascal Lamy - nguyên Tổng giám đốc WTO đã có buổi đối thoại bàn tròn với cộng đồng doanh nghiệp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau khi gia nhập WTO, trong đó theo ông Pascal Lamy là những thành công về tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và du lịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương. Trước câu hỏi về việc công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển mạnh, nhập khẩu nhiều và giải pháp hạn chế tác động từ góc độ kinh tế của việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần đây, ông Pascal Lamy cho rằng, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn nâng cao lợi thế cạnh canh của mình. Lợi thế đó nằm ở người dân và là sức mạnh rất to lớn.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều quốc gia khác Việt Nam không thể tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên mà phải dựa vào môi trường biển của mình. Nhưng vấn đề ở đây không phải là đánh bao nhiêu cá mà phải tận dụng được nguồn nhân lực làm sao để đánh bắt và chế biến cá tốt nhất, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường. Do đó, một chính sách thương mại tốt nhất và đầu tư, nâng cao giáo dục và đào tạo là một giải pháp hợp lý.
Cùng với đó sẽ phải nhìn vào xem lợi thế của mình ở đâu và tạo được bao nhiêu giá trị gia tăng và cần phải nhập khẩu trong các lĩnh vực mà ta có thể tận dụng được. Thông thường, nhiều người chú trọng đến xuất khẩu và không muốn nhập khẩu. Tuy nhiên trong thế giới ngày nay lại khác. Những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất cũng là những quốc gia nhập khẩu nhiều. Với chính sách nhập khẩu, nếu phải nhập khẩu những mặt hàng buộc phải nhập để phục vụ nhu cầu trong nước thì vẫn phải nhập khẩu. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp hàng hóa với mức giá tối ưu cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nhập mặt hàng nào đó thì phải cân nhắc lợi và hại.
° Hội thảo khởi động dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia phối hợp tổ chức chiều qua, 11-8, tại Hà Nội. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định: “Trong 2 năm triển khai chủ trương tái cơ cấu kinh tế, một số kết quả ban đầu đã đạt được, song Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều thách thức. Trong quá trình cải cách này, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong việc học hỏi các mô hình thực tiễn tốt và chuyển hóa một cách hiệu quả thành các cải cách quốc gia. Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Chính phủ Australia thông qua dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam”.
Dự án được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số nội dung trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020.
HÀ MY - ANH PHƯƠNG