Mặc dù đầu tư vào năng lượng tái tạo không còn là điều mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới, song tại Việt Nam, hồi cuối tháng 6 vừa qua, với việc ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tuyên bố sẽ rót 1 tỷ USD, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng mặt trời và không giấu tham vọng đưa TTC trở thành đơn vị dẫn đầu ngành năng lượng sạch tại Việt Nam, thì thị trường năng lượng tái tạo (NLTT) sôi nổi hẳn lên.
Trong khi ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC, chia sẻ: “Tôi rất hào hứng về sự đầu tư vào điện mặt trời cũng như điện gió”, thì ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC, nhận định, 20 nhà máy năng lượng mặt trời sắp đầu tư sẽ là “20 nhà máy in tiền cho tập đoàn kể từ năm 2020”.
Tất nhiên, năng lượng tái tạo cũng đã “lọt mắt xanh” các nhà đầu tư nước ngoài. Với khoảng 20 dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng sạch, có tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 800 triệu USD - chiếm 14,5% về số dự án và 6% tổng số vốn đầu tư đăng ký trong ngành điện và khí đốt, dù được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định là “chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam”, song đây cũng là lĩnh vực đang “nóng”.
Không chỉ sở hữu tiềm năng về năng lượng gió ước tính khoảng 500 -1.000kWh/m²mỗi năm; nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ trung bình 5kWh/m²/ngày trên khắp cả nước…, Việt Nam còn có được lợi thế của người đi sau, nhờ chi phí NLTT đang giảm từ 9%-12%/ năm.
Chẳng hạn, cách đây vài năm, chi phí sản xuất điện gió khoảng 3.500 đồng/kWh thì nay giảm xuống còn 2.200 - 2.500 đồng/kWh và được dự báo sẽ còn tiếp tục rẻ hơn nữa. Thời gian xây dựng, đưa vào vận hành một nhà máy điện gió, điện mặt trời trung bình hiện chỉ mất 1 năm, trong khi xây dựng nhà máy điện than cần 4 - 6 năm.
Tuy thế, vẫn còn không ít trở ngại đến từ nguồn vốn, cơ chế chính sách. Trước hết, chi phí đầu tư cho dự án NLTT nói chung tương đối cao, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, giá bán điện - tuy đã được nâng lên, nhưng vẫn còn thấp. Những cơ chế hiện hành chưa được luật hóa là một cản ngại khác.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là văn bản có hiệu lực thực thi cao nhất thì chỉ nêu nguyên tắc mà chưa quy định các chính sách cụ thể về NLTT. Chính vì thế, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành luật về NLTT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi có tính đột phá để thúc đẩy thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển thị trường này.
Đại diện UNDP cũng nhấn mạnh yêu cầu đối xử công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này...