Nhiều trường áp dụng
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, cho biết: Hiện ĐHQG TPHCM có 3 trường thành viên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin) phát triển đào tạo từ xa và dạy kết hợp (blended) giữa học trực tiếp (truyền thống) với trực tuyến (e-learning). Ngay trong quy chế đào tạo của các trường này cũng quy định rất rõ là một chương trình đào tạo được áp dụng tối đa 20% tín chỉ học trực tuyến.
Với Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường cũng đã áp dụng hình thức đào tạo kết hợp trong vài năm nay ở một số chương trình quốc tế, chất lượng cao. Sau một thời gian áp dụng, hiệu quả rất khả quan và trường khuyến khích tất cả các khoa áp dụng. Trường đã đầu tư vài tỷ đồng để triển khai thí điểm hình thức đào tạo trên. Việc đánh giá người học cũng rất thuận lợi và dễ dàng.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng thông tin: Sau 5 năm cải cách toàn diện và triệt để chương trình đào tạo, số khóa học theo hình thức trực tuyến tăng từ 17 khóa (năm học 2013-2014) lên 45.000 khóa trong học kỳ 1 năm 2017-2018, với 5 triệu lượt truy cập/học kỳ. Song song đó, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của sinh viên tăng từ 2 lần lên thành 7 lần trong học kỳ.
Thực tế với phương pháp truyền thống, việc giảng dạy, đánh giá, kiểm tra tạo ra áp lực lớn cho giảng viên. Ví dụ như lớp 100 sinh viên, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận… Tuy nhiên, khi đầu tư và áp dụng hệ thống trợ lý giảng dạy thì giảng viên giảm tải rất nhiều trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Người học (từ sinh viên đến học viên cao học) có thêm cơ hội học tập, tăng kỹ năng, kiến thức và giờ học linh hoạt.
Một số trường kết hợp với Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA để tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cử nhân trực tuyến như: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Mở Hà Nội…
Giảm tải, tăng hiệu quả
Ông Trương Tiến Tùng, Viện ĐH Mở Hà Nội, nhìn nhận: Các hệ thống học tập trực tuyến (trong đó có sử dụng hệ thống quản lý học tập - LMS) không chỉ dừng lại ở lưu trữ, tìm kiếm thông tin đơn thuần mà còn giúp người dạy, người học với nhiều chức năng như giám sát và đánh giá quá trình học tập. Khi cán bộ quản lý đăng nhập vào LMS, ngay lập tức có thể biết được mức độ chăm chỉ của sinh viên thông qua số lần sinh viên đăng nhập vào hệ thống, số lần làm bài, thời lượng tham gia học và làm việc trên hệ thống, tần suất tham gia các diễn đàn. Từ đó, LMS cũng lọc ra sinh viên có kết quả học tập chưa đạt và nhắc nhở, tư vấn.
Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 21 về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, với các nội dung như: điều kiện, nội dung đào tạo qua mạng, tổ chức thực hiện; trách nhiệm quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. |
Trao đổi thêm về vấn đề của đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), phân tích: Lo ngại về chất lượng đào tạo trực tuyến (đào tạo từ xa và các chương trình đào tạo trực tuyến một số trường đang triển khai để cấp bằng) là đúng, vì chịu ảnh hưởng của văn hóa chạy đua bằng cấp và sự tuyển dụng không minh bạch nên làm méo mó hình thức đào tạo này. Để đào tạo có chất lượng, ngoài việc cung cấp dịch vụ giáo dục online chất lượng thì nhu cầu tự thân người học rất quan trọng, học vì muốn cải thiện năng lực của bản thân.
Ngoài ra, cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT) phải hình thành cơ chế kiểm soát chất lượng, dù học kiểu gì cũng phải đảm bảo chuẩn đầu ra, dựa theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận văn bằng chứng chỉ cho người học. Đó là điều kiện đầu tiên cho tuyển dụng và phải căn cứ theo năng lực thực để tuyển dụng và sử dụng. Bên cạnh đó, việc dạy từ xa hay dạy trực tuyến phải có phương pháp và chiến lược để dạy hiệu quả; cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (máy móc, thiết bị, phòng học ảo….) thì giảng viên cũng phải được đào tạo.