Theo Bộ trưởng, diễn biến dị thường của thời tiết như mưa lớn cực đoan cộng hưởng với việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn chính là nguyên nhân.
Nêu giải pháp, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường nhận định, khi xây dựng hạ tầng tiêu thoát nước phải tính toán trữ được cả lượng nước con người sử dụng, cũng như lượng nước mưa trong thời tiết cực đoan. Công tác dự báo cũng cần tiến tới mức độ “dựng” ra được kịch bản tác động đến cơ sở hạ tầng.
“Tôi nghĩ rằng dự báo có thể làm được. Khi dự báo nói đến lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được trên một mét vuông có lượng mưa thế nào. Vấn đề là chúng ta cần làm tiếp bài toán mô hình, khả năng của hệ thống tiêu thoát nước. Tất nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác là điều không dễ”, ông Hà nói.
Về gợi ý Hà Nội có nên xây dựng dự án chống ngập giống TPHCM, Bộ trưởng nhận định, Hà Nội cần lập dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu về các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Hà Nội cũng cần có cách tiếp cận khi thiết kế đô thị là hướng tới đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Còn khi đã ngập rồi thì phải sử dụng máy bơm để thoát nước, chỉ là phương án ứng phó mà thôi. Khi xây dựng đô thị, phải tính toán hệ thống tiêu thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị, để trở thành đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh, đảm bảo được tính bền vững khi thời tiết cực đoan. Do vậy, xuất phát từ dự báo, quy hoạch để thiết kế một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng. Không thể đơn thuần “mô phỏng” được”, Bộ trưởng cho biết.
Về lâu dài, cần đánh giá lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Trước hết phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, xây dựng hệ thống huyết mạch trong việc thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ.
Trong thiết kế phải tính toán được độ cao của các khu vực và khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm của đô thị, cần có tầm nhìn để khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị để thoát nước.
Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. Đó có thể là khu vực không gian mở như sân vận động, cánh đồng…, có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, biến thành nơi chứa nước tạm thời, tránh ngập cho những nơi xung yếu.
Như Nhật Bản có khu vực ngầm được bố trí, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, vừa là để thoát nước, vừa là dự trữ nước để có thể sử dụng tưới cây khi hạn hán...