Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan, hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này. Hàng xuất khẩu vào EU phải tuân thủ đúng quy tắc xuất xứ.
Theo đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ theo Thông tư số 11/2020/TT-BCT của Bộ Công thương và chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là các quốc gia thuộc lãnh thổ EU, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, gồm: tờ khai hải quan nhập khẩu từ lãnh thổ EU, Anh và Bắc Ailen (bản sao và bản dịch tiếng Anh trong trường hợp ngôn ngữ trên tờ khai không phải là tiếng Anh); khai báo, tính thuế và nộp thuế theo mức thuế MFN (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ).
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, nếu nộp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, cơ quan hải quan sẽ xử lý tiền thuế nộp thừa cho DN. Đối với hàng hóa nhập khẩu, điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu, hàng hóa thuộc nhóm 04.07 (trứng); nhóm 17.01 (đường); nhóm 24.01 (lá thuốc lá) và nhóm 25.01 (muối): áp dụng hạn ngạch thuế theo quy định của Bộ Công thương. Hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam phải được quy định cụ thể trong biểu thuế.
Những lô hàng được nhập từ các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam, đáp ứng điều kiện về quy tắc xuất xứ theo Hiệp định EVFTA (Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15-6-2020 của Bộ Công thương). Đặc biệt, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đến Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ailen và hàng hóa nhập khẩu từ Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ailen vào Việt Nam chỉ áp dụng thuế EVFTA theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 31-12-2020.
Trong một diễn biến khác, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cũng vừa tổ chức hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với ngành chăn nuôi và trồng trọt, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) chú trọng đến quy trình sản xuất, lao động, môi trường.
Theo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với lúc không có hiệp định. Bên cạnh đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. EVFTA sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có EVFTA như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với sản phẩm chăn nuôi, thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực với động vật sống, thịt heo, thịt trâu bò đông lạnh, theo lộ trình 5-7 năm đối với thịt gia cầm và thịt gia súc chế biến.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện có tới 77% DN không biết hoặc lần đầu nghe nói tới hiệp định này, trong đó, các DN xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ. Nhiều DN thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết EVFTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các DN chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.
Ngoài bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận xuất xứ, các DN tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… cũng sẽ tạo ra những khó khăn lớn, cản trở nhất định tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.