Nhiều ngành tăng trưởng 2 con số
Theo Bộ Công thương, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Hiện các FTA thực thi có tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Chẳng hạn, với Hiệp định CPTPP, sau 3 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020; trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hay với Hiệp định EVFTA, tỷ lệ tăng cũng lần lượt 14,2% và 23,5%. Lý giải về kết quả này, bà Tô Thị Tường An, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, cho rằng, DN Việt đã nhanh, nhạy khi nhận diện khá tốt về lợi thế của từng ngành hàng phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, với ngành thủy sản, các DN đã đáp ứng tốt, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nhiều thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Minh chứng rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản liên tục tăng cao tại thị trường Nhật Bản (tăng 33%), Canada (tăng 67%), Mexico (tăng 59%)... so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại 10 nước thành viên CPTPP đều duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.
Với ngành chế biến lương thực thực phẩm, Hiệp định CPTPP cũng đã mở toang hàng rào thuế quan để hàng hóa Việt Nam vào các thị trường này. Nhờ vậy, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành cũng duy trì mức 2 con số, bất chấp những diễn biến khó khăn từ dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi logistics, giá vận chuyển và nguyên liệu tăng cao trong 2 năm lại đây.
Nguồn vốn là yếu tố sống còn
Trên thực tế, DN Việt Nam so với nhiều DN trên thế giới “non về tuổi đời” và “yếu về tầm vóc”. Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết, trong thời gian tới, DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật mới. Đơn cử, EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất sạch hơn với lượng phát thải CO2 ít hơn. Tới năm 2026, các nhà nhập khẩu EU sẽ công bố sản lượng nhập khẩu cùng lượng khí thải tương ứng của năm trước đó, song song với các chứng chỉ CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Để đáp ứng yêu cầu này, DN phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa sản xuất, đáp ứng đa dạng tiêu chuẩn của từng thị trường xuất khẩu. Bởi đây là lối đi duy nhất nếu DN không muốn bị loại khỏi sân chơi chung.
Ngày 18-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm “Tăng sự hiện diện của DN Việt Nam xuất khẩu sang EU”. Sau hơn 2 năm Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU từ tháng 8-2020 đến tháng 7-2022 đạt 83,4 tỷ USD - cao hơn 24% trung bình năm của giai đoạn 2016-2019. |
FTA tạo ra những thuận lợi về thuế quan. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của DN Việt chính là hàng rào kỹ thuật. Theo đó, nhóm hàng nông sản vào thị trường Hoa Kỳ phải có nhà máy đóng gói, vùng trồng do nước này cấp chứng chỉ. Hay sản phẩm muốn vào thị trường EU phải đạt hơn 30 tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời có chứng nhận trách nhiệm xã hội, nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP… Các tiêu chuẩn này cũng thường xuyên thay đổi, đòi hỏi DN phải thực sự mạnh về vốn và hiện đại về công nghệ mới có khả năng “trở mình” để đáp ứng kịp thời.
Trước bối cảnh chung đó, nhiều đại diện DN đã chia sẻ những giải pháp để thích ứng. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), yếu tố vốn là sống còn với DN hiện nay. Nếu tình trạng siết room tín dụng vẫn “đánh đồng” với tất cả DN thì DN sản xuất không đủ vốn cho hoạt động cũng như đổi mới quy trình sản xuất. “Hiện nhiều DN chế biến lương thực thực phẩm đã phải từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn do thiếu vốn để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất”, đại diện Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM nêu thực tế.
Về nội tại, sản phẩm Việt chưa có thương hiệu, thiếu các cơ hội tiếp cận thị trường nên chưa đủ khả năng làm thay đổi thói quen lựa chọn của người tiêu dùng thế giới. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường xúc tiến thương mại cho các DN trong nước để thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng thế giới với hàng Việt. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến DN cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành sản xuất sản phẩm hỗ trợ, nhất là lĩnh vực bao bì, thiết kế in ấn, khay đựng… để giúp DN xuất khẩu không bị mất đơn hàng vì lý do không đạt chuẩn đóng gói.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ:
|
Ông Jean - Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham:
|