Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dung lượng thị trường của 11 thành viên trong CPTPP năm 2017 có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào khoảng 2.445 tỷ USD; trong đó nhập khẩu từ Việt Nam đạt hơn 34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,4%. Nếu tính riêng 7 nước đã phê chuẩn CPTPP (gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam - CPTPP 7), mỗi năm nhập khẩu khoảng 2.142 tỷ USD, nhập khẩu từ Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, chiếm 1,34%. Kể từ ngày 14-1-2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.
CPTPP thể hiện cam kết hội nhập sâu và rộng của Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử… Cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục nghị định để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Trên phương diện đầu tư nước ngoài, việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, cho biết nhằm khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22-1-2019 quy định quy tắc ứng xử hàng hóa trong CPTPP, có hiệu lực từ ngày 8-3-2019.
Theo đó, giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP. Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam, áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà sản xuất đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 - 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm, kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Hiện một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề lưu trữ hồ sơ, nhất là giấy chứng nhận xuất xứ, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP và thương nhân phải lưu trữ hồ sơ, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn ít nhất 5 năm, kể từ ngày cấp, dưới bất kỳ hình thức nào để truy cập xuất xứ nhanh chóng, bao gồm: điện tử, quang học, từ tính hoặc bằng văn bản theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, cho hay để được hưởng ưu đãi thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường thành viên CPTPP thì doanh nghiệp phải nắm chắc, hiểu rõ về các quy định xuất xứ hàng hóa, thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các bộ, sở ngành tổ chức hội nghị, hội thảo cung cấp thông tin thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa; đồng thời, mở các lớp đào tạo tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp theo từng ngành hàng…