CPTPP cắt giảm 100% số dòng thuế sau 4 năm
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA, đã ký nhưng chưa có hiệu lực 2 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và 3 FTA đang đàm phán.
Mức độ mở cửa của Việt Nam trong các FTA đang ở mức rất cao, đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA. Nếu FTA trong khuôn khổ ASEAN cam kết cắt giảm 98% số dòng thuế thì CPTPP cắt giảm lên tới 100% số dòng thuế, còn EVFTA cũng tới 99% số dòng thuế.
Tương tự, mức độ mở cửa của các nước đối với Việt Nam trong các FTA cũng ở mức rất cao. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, trà, cà phê… dự kiến xóa bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 7 năm như EVFTA.
Đánh giá triển vọng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tham gia các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng chắc chắn cũng tạo ra sự cạnh tranh, buộc các DN phải tự thay đổi để thích ứng.
Cụ thể, việc tham gia các FTA tiếp tục đảm bảo cơ hội tiếp cận thị trường, tận dụng được thị trường nội địa, có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều quan trọng là Việt Nam đang sở hữu một thị trường vô cùng hấp dẫn với hơn 90 triệu dân và có sức mua rất lớn.
Nói cách khác, Việt Nam đang ngồi trên “núi vàng” mà bấy lâu nay chúng ta đang bỏ ngỏ để chạy theo xuất khẩu, chỉ khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “đổ bộ” ngày càng nhiều vào Việt Nam để khai thác tiềm năng từ sức mua thì các DN trong nước mới quan tâm hơn đến thị trường nội địa.
Hơn nữa, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng rõ nét, hàng rào kỹ thuật từ các nước tăng lên, trong khi hàng rào thuế quan cắt giảm theo các FTA thì “sân nhà” đang trở thành cứu cánh cho nhiều DN Việt.
Xóa bỏ tư duy áp đặt
Nhìn nhận về kết quả thực hiện, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TPHCM (VCCI HCM), cho rằng Việt Nam đã ký FTA với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng thực tế chỉ có khoảng 40% DN nắm bắt được cơ hội do các FTA mang lại.
Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Do vậy, cần có những phân tích, đánh giá xác thực để xem chúng ta đang yếu ở điểm nào, DN cần gì, từ đó có biện pháp hỗ trợ tốt hơn.
Về phía TPHCM đang tích cực xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu, nhưng khi tìm tư liệu để thực hiện nhằm gắn kết chuỗi cung ứng và định vị các mặt hàng xuất khẩu của TP cũng rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, băn khoăn tham gia các FTA không chỉ đơn thuần là việc cắt giảm thuế quan mà cần phải đi sâu vào nhiều mặt; trong đó, việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển mới là vấn đề cốt lõi của hội nhập nhưng chúng ta chưa làm tốt điều này.
Nguyên nhân chính là những vấn đề hội nhập mới chỉ đề cập ở tầm vĩ mô, chưa tạo điều kiện để khuyến khích hiệp hội phát huy vai trò làm cầu nối giữa các DN để tạo sức mạnh tổng thể. Nhìn lại hầu hết chương trình điển hình của ngành nông nghiệp và các hiệp hội hoạt động hiệu quả thì đều nhờ vào sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài chứ không phải từ Chính phủ hoặc từ các cơ chế chính sách.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chưa tận dụng tốt các cơ hội là chúng ta chưa thực sự cởi trói về tư duy và thể chế. Ở đâu đó, tư duy áp đặt trong xử lý hành chính còn rất phổ biến. Tại nhiều bộ ngành chưa có tư duy thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp.
Điển hình như trường hợp Bộ NN-PTNT ban hành Nghị định 109 về sản phẩm hữu cơ, trong đó có nhiều điều khoản không phù hợp với thực tiễn nên rất khó triển khai, dẫn đến kém khả thi. “Cần có cơ chế chính sách thật cụ thể, mang hơi thở cuộc sống để hỗ trợ, nâng đỡ các DN cùng phát triển, chứ nếu tập trung vào một vài tổng công ty, tập đoàn lớn thì còn lâu chúng ta mới hội nhập thành công”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhận xét.
Trong công tác truyền thông, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM, thừa nhận vẫn còn rất yếu. TPHCM tuy rất chú ý trong tuyên truyền nhưng cách diễn đạt, từ ngữ trong các cam kết còn mang tính hàn lâm, trong khi DN rất cần những vấn đề cụ thể, riêng biệt để cùng tiếp cận và đồng hành. Việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và DN trong nước là cần thiết, song chúng ta cần học hỏi thêm từ các nước để khi ban hành thì hàng rào kỹ thuật phải thật sự có “kỹ thuật”, chứ không xây dựng một cách duy ý chí như vấn đề bột mì vừa qua.
Với DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan để tăng lượng hàng xuất khẩu. Trong hội nhập, các hiệp hội đóng vai trò quyết định sự thành bại nên các DN cần tăng cường liên kết để xây dựng và phát triển hiệp hội ngành hàng đủ mạnh, vừa để bảo vệ quyền lợi trực tiếp cho DN vừa giúp DN tìm hiểu và vận dụng tốt các cam kết trong quá trình mở rộng, đa dạng hóa thị trường và lựa chọn cơ hội kinh doanh.
Liên quan đến việc phê chuẩn CPTPP của Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng những nỗ lực xuyên suốt, quyết định sự thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là để đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Để đạt tới chuẩn mực này, việc cải cách cần tăng tốc, kiên trì gỡ bỏ từng “giấy phép con”, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và DN. |