Nâng cao chất lượng sản phẩm thời công nghệ
Tại nhiều hội thảo về phát triển nền kinh tế số, các chuyên gia đều khẳng định việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp (DN) cực kỳ quan trọng. Rất khó để tạo ra sản phẩm chất lượng cao từ hệ thống công nghệ có tuổi đời 40-50 năm về trước. Việc đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực được “đặt lên bàn cân”, trở thành yếu tố sống còn của nhiều DN hiện nay. Một DN có trụ sở tại Bình Dương chia sẻ, nhiều DN sử dụng công nghệ của những năm 70 trở về trước, nay như “ông già rụng răng”; một số máy khác trông còn mới nhưng cũng chỉ là hàng tân trang… “Muốn thay thế số máy móc cũ bằng máy mới cần phải có vốn, nhân công tay nghề kỹ thuật cao. Mà những yếu tố này các DN, nhất là DN vừa và nhỏ khó thực hiện. Chưa kể, cùng một mặt hàng nhưng nay có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Mặc dù áp lực đối với DN nhưng đây cũng là cơ hội để họ thích ứng, đồng thời người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn”, ông H.T.T, Giám đốc DN may mặc T.H tại Bình Dương, nhận xét.
Chị Trương Thị Tây, chủ một shop thời trang trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết, trước đây chuyên kinh doanh hàng giá rẻ chất lượng tầm trung. Khách thường xuyên phàn nàn về kích cỡ, các đường chỉ lệch lạc, dáng không chuẩn… nhưng chị bỏ ngoài tai. Lý do, bán xong hàng, nhận tiền, khách phản ánh kệ khách. Sau này lo ngại mất khách, chị Tây săn tìm nguồn vải tốt và đặt thiết kế riêng tại các xưởng may đạt tiêu chuẩn. “Hơn 10 năm nay, nguồn khách hàng thân quen và bạn bè của họ đã giúp mình có thu nhập ổn định. Mặc dù dịch Covid-19 xảy ra nhưng doanh thu bị ảnh hưởng không nhiều, do mình bán thêm hàng qua mạng xã hội song song với bán trực tiếp tại cửa hàng”, chị Trương Thị Tây nói.
Một số nghiên cứu cho thấy, do tác động của dịch Covid-19 nên người tiêu dùng cũng có những thay đổi thói quen tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mọi người kết nối mua sắm trực tuyến, tạo cơ hội cho thương mại điện tử phát triển mạnh. Bằng chứng, nhiều thương hiệu cho phép khách mua hàng dùng thử các sản phẩm điện máy, điện tử từ 7-10 ngày, nếu có trục trặc được đổi hàng mới. Hoặc như ăn trái cây, hải sản… bao tươi ngon, nếu phản hồi kém chất lượng sẽ được hoàn tiền hoặc đền bù hàng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, việc mua sắm trực tuyến chỉ thực sự bùng nổ khi dịch Covid-19 lan nhanh trên khắp thế giới, trong đó có nước ta. Ở tình thế bắt buộc, người tiêu dùng vẫn khá dè dặt với hàng online, nhưng sau này thì khác, khách gắn bó với mua hàng trực tuyến, sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên diện rộng (thanh toán hóa đơn điện nước, học phí… qua app ngân hàng hoặc qua ví điện tử).
Khai thác tốt thị trường nội địa
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong thời gian tới đây, tiếp tục xuất hiện những khách hàng tiềm năng, đam mê mua sắm trực tuyến mãnh liệt. Mặc dù hành vi tiêu dùng thay đổi nhưng cũng cần khuyến khích để người dân tiếp tục chuyển hướng thói quen tiêu dùng. Đối với Việt Nam, ở thời điểm dịch bệnh xảy ra, các mặt hàng nội địa có cơ hội “lên ngôi”. Rất nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước không được, DN kịp thời quay lại phục vụ thị trường nội địa. Các sản phẩm xuất khẩu này chất lượng tốt, hàng rào kỹ thuật cao (vì được xuất qua các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…) nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Cứu cánh cho DN (du lịch, tiêu dùng…) trong thời buổi khó khăn do tác động của dịch bệnh, chính là người tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhìn nhận, người Việt Nam luôn nhìn về yếu tố dân tộc, trong thời điểm này, yếu tố dân tộc càng được phát huy. Thực sự, người Việt Nam rất tự hào về mình, nhưng thời gian qua, do một số yếu tố khác lấn át như sính ngoại hoặc bị lòng tham che mắt, khiến hàng hóa trong nước thất thế. Hy vọng thời gian tới đây, hàng Việt Nam thực sự được tỏa sáng, tiếp tục tạo dựng vị thế quan trọng đối với khách hàng nội địa.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam”, hướng đến làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm… Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 DN công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Rõ ràng, các DN Việt phải không ngừng nỗ lực để chiếm lấy cảm tình của “người nhà” song song với xuất khẩu hàng hóa thu hút ngoại tệ. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách cũng phải làm hết trách nhiệm để sàng lọc và loại bớt những sản phẩm, DN kém chất lượng cố tình lừa đảo khách hàng, giúp hàng hóa Việt Nam đứng vững trong lòng người Việt.