* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện những giải pháp nào để kinh tế - xã hội có bước phát triển ấn tượng thời gian qua?
* Ông ĐỒNG VĂN THANH: Đây là quyết tâm rất lớn của người dân và Đảng bộ Hậu Giang để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng yếu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,94%, cao nhất khu vực ĐBSCL và đứng thứ 4 cả nước; năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng ở mức 12,27% và xếp thứ 2 cả nước. Riêng năm 2024, với những tín hiệu phấn khởi khi các dự án đầu tư mới vào địa bàn tăng 25% so với năm 2023. Đặc biệt, có nhiều nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu và dự kiến sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh với những dự án lớn như: dự án đô thị nghỉ dưỡng MeKong với diện tích gần 3.000ha, suất đầu tư khoảng 6 tỷ USD và dự án du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng…
Năm 2024, Hậu Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%. Với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,04%; xếp thứ 2 vùng ĐBSCL và xếp ở nhóm cao cả nước. Trong đó, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng: khu vực nông nghiệp tăng 3,79%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,31%; dịch vụ tăng 6,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, Hậu Giang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, dự án có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* Với 2 tuyến cao tốc đang xây dựng đi qua địa bàn, Hậu Giang đã đồng hành cùng các đơn vị thi công ra sao để hoàn thành dự án đúng tiến độ?
* Tỉnh Hậu Giang rất vui mừng khi Trung ương đầu tư 2 tuyến đường cao tốc, mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc trên cả nước, trong đó khu vực ĐBSCL phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 600km, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc” để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xác định công tác công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và đến nay Hậu Giang đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng của 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh cho nhà thầu thi công. Tỉnh xác định việc hoàn thành dự án là nhiệm vụ chính trị, uy tín, cơ hội cho sự phát triển của cả vùng. Trên tinh thần đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương cùng với chủ đầu tư, nhà thầu tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu thi công triển khai đảm bảo tiến độ dự án. Tỉnh Hậu Giang luôn đồng hành cùng chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện thi công 2 dự án. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng dự án; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có chỉ đạo phù hợp. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thi công.
* Nhưng hiện các địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát phục vụ thi công, thưa ông?
Thời gian qua, như một số tỉnh trong vùng, Hậu Giang cũng gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu cát ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Tỉnh Hậu Giang đã cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thi công tranh thủ tìm kiếm nguồn vật liệu cát san lấp từ các tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre... để được xem xét, hỗ trợ. Đến nay nguồn vật liệu cát cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dự án theo tiến độ.
* Tỉnh Hậu Giang sẽ tận dụng lợi thế 2 tuyến cao tốc để mở rộng không gian phát triển như thế nào?
* Địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 tuyến cao tốc đi qua, với chiều dài khoảng 100km. Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc góp phần quan trọng tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, giá trị mới, tạo công ăn, việc làm, thu nhập và sinh kế tốt hơn cho người dân trên địa bàn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Để tận dụng lợi thế và khai thác hết tiềm năng từ các tuyến cao tốc này trong thời gian tới, Hậu Giang đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp kết nối với các nút giao các tuyến cao tốc và sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 3 vùng công nghiệp lớn của tỉnh, với quy mô khoảng 9.650ha. Đây được xem là ”đòn bẩy” để tạo đột phá phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân Hậu Giang.