Tham dự tọa đàm có đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cùng nhiều lãnh đạo các viện, trường, các tỉnh ĐBSCL tham dự.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân, ĐBSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới; giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú với danh xưng là ‘vựa lúa’, ‘vựa tôm, cá’, ‘trái cây’,… của cả nước. Giai đoạn 2014-2020, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đồng chủ trì triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam bộ. Các kết quả của Chương trình này bước đầu đã ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu từ triển khai chương trình đã cho thấy, ĐBSCL vẫn còn đang đối mặt các nhóm vấn đề như: điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; công nghệ hiện đại; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư - kinh doanh và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng...
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, TP Cần Thơ xác định: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng” để phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đánh giá Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, được triển khai thành công sẽ góp phần cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần cùng các chính sách có liên quan tạo sự chủ động, cũng như hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu của từng địa phương và vùng ĐBSCL, thích ứng với tác động của thượng nguồn sông Mê Công, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh, sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
"TP Cần Thơ trân trọng và mong các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ đề xuất, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tính khả thi và kỳ vọng hiệu quả cao như: nghiên cứu phát hiện, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Tạo nền tảng cơ sở khoa học, thực tiễn các mô hình, công nghệ, giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, các giải pháp kỹ thuật thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, lún mặt đất, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí" Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe Báo cáo kết quả của Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020; báo cáo Khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL… Đồng thời dành nhiều thời gian để các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm kiếm được các giải pháp tiên phong, đột phá từ đề xuất các nhiệm vụ của nhà khoa học, mô hình liên kết vùng, kinh nghiệm, thực tiễn, thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề thực tiễn của ĐBSCL.